Hy vọng đến từ những điểm sáng của nền kinh tế

H.H. 03/04/2021 10:30

Từ những điểm sáng của nền kinh tế trong quý I-2021, nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức tài chính quốc tế cho rằng sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất đã khẳng định vị trí tại nhiều thị trường quốc tế.

Các dự báo của các tổ chức quốc tế (như IMF, WB) đối với mức tăng trưởng của Việt Nam thậm chí còn cao hơn (IMF dự báo tăng trưởng 6,7% và WB dự báo tăng trưởng 6,8%).

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% theo kế hoạch của Chính phủ không đơn giản trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 còn rất khó lường. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cần được kéo dài và hiệu chỉnh để phù hợp với diễn biến kinh tế.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, do dịch diễn biến khó lường, các các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì và tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ. Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê bao sản phẩm từ nước ngoài, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động. Tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết doanh nghiệp.

Kinh tế trưởng của WB Jacques Morisset cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay không hẳn là làm bao nhiêu mà là “phải làm hiệu quả hơn”. Doanh nghiệp kỳ vọng các chính sách hỗ trợ cần minh bạch, dễ tiếp cận hơn, đồng thời kiểm soát tốt, chống lại tham nhũng, trục lợi chính sách.

Chuyên gia WB cũng khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam cần hết sức chú ý đến yếu tố “xanh”, chống ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề không khí, phát triển năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững.

H.H.