Quảng Nam: Xả lũ gây thiệt hại, vẫn chưa hỗ trợ cho dân
Gần nửa năm, Thủy điện Đăk Mi xả lũ điều tiết gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ thiệt hại chưa được giải quyết dứt điểm.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết: Sau khi Công ty CP Thủy điện Đăk Mi xả lũ điều tiết ngày 28/10/2020, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân, UBND huyện Nam Giang đã thành lập Tổ công tác phối hợp với UBND xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, địa phương nơi ảnh hưởng xả lũ và Công ty nói trên đã đi kiểm tra, rà soát thực tế các hộ dân tại các thôn bị thiệt hại, qua đó xác định có 865 hộ/9 thôn bị ảnh hưởng, với tổng kinh phí người dân tự kê khai hơn 47 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 697/UBND-KTN ngày 4/2/2021 về việc kiểm tra, thống kê, tổng hợp của tổ công tác, tiến hành bóc tách số liệu thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và thủy sản để áp giá hỗ trợ theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ và Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 5/2/2018 của UBND tỉnh để nhanh chóng hỗ trợ cho người dân.
Vì thế, sau khi có kết quả thống kê cụ thể về thiệt hại, UBND huyện Nam Giang đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh và Thủy điện Đăk Mi 4 đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng số tiền hơn 16,1 tỷ đồng, trong đó kinh phí thiệt hại theo Nghị định 2/2017/CP hơn 2,5 tỷ đồng; kinh phí thiệt hại khác (vật dụng gia đình, xe máy;…) hơn 6,7 tỷ đồng và kinh phí thiệt hại các công trình dân sinh hơn 6,8 tỷ đồng.
“Đây là lần thứ 2 Thủy điện Đăk Mi xả lũ gây thiệt hại gia súc, tài sản của người dân địa phương. Lần đầu, cách đây vài năm, trời đang nắng, họ xả lũ nước dâng cao đột ngột, hàng chục hộ dân bị thiệt hại về tài sản. Chính quyền địa phương mong muốn lãnh đạo thủy điện nhanh chóng hỗ trợ theo quy định Nhà nước để người dân sớm ổn định cuộc sống”- ông Chương nói.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Khánh, Tổng Giám đốc CP Thủy điện Đăk Mi cho hay, đơn vị đề nghị thay đổi cách đặt tên cho sự cố thiên tai của người dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ nhằm phù hợp với thực tế do cơn bão số 9 gây ra chứ không phải do thủy điện điều tiết xả lũ. Bởi theo bản chất, Thủy điện Đăk Mi phải xả lũ khi có lũ về. Đồng thời tái khẳng định và đề nghị huyện Nam Giang ghi nhận việc điều tiết của thủy điện đã đóng góp rất lớn trong việc cắt giảm lượng nước lũ cho địa phương.
Ông Khánh nói: “Huyện Nam Giang cần chia sẻ với thủy điện về điều tiết nước “đúng quy trình” và nhìn nhận một cách sòng phẳng, thông tin khách quan với truyền thông rằng, không phải thủy điện xả lũ gây ra thiệt hại mà lũ gây ra bởi thiên tai. Thủy điện đã đóng góp vào việc cắt giảm đỉnh lũ, giúp điều tiết lũ và giảm thiệt hại cho người dân địa phương”.
Còn về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ông Khánh cho rằng, việc này, Hội đồng Quản trị Công ty CP Thủy điện Đăk Mi không có thẩm quyền quyết định mà phải báo cáo lên Đại hội đồng cổ đông, chuẩn bị diễn ra kỳ Đại hội sắp tới vào tháng 4/2021. Vì thế tất cả hồ sơ liên quan đang được chuẩn bị để báo cáo. Bản thân ông đang xin chủ trương lãnh đạo cấp trên chi phí khoảng 50% của 6,7 tỷ đồng.
Trước sự việc này, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, nếu phía thủy điện chỉ đồng ý hỗ trợ 50% chi phí thì địa phương sẽ không biết chi trả cho các hộ dân bị thiệt hại như thế nào. Bởi qua khảo sát thực tế, con số thiệt hại đã có sẵn, mức độ ảnh hưởng của từng hộ dân đã được thể hiện trên bảng tổng hợp số liệu.
Ông Sơn nói thêm: “Trách nhiệm thuộc về phía Thủy điện Đăk Mi. Nếu thủy điện thấy cần thiết phải tự đề nghị với tỉnh trong việc hỗ trợ giải quyết, địa phương không can thiệp. Nhưng việc hỗ trợ người dân phải được thực hiện trong thời gian sớm nhất, dứt điểm trước ngày 15/4/2021, không để xảy ra bức xúc trong nhân dân”.