Đảm bảo quyền lợi cho học sinh trường múa: Chờ mã số định danh
Câu chuyện 325 học sinh (HS) và sinh viên của Học viện Múa Việt Nam có nguy cơ “trắng tay” không bằng cấp, chứng chỉ cả về chuyên môn và văn hóa sau khi học xong hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và cao đẳng (CĐ) của trường này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Mặc dù Bộ GDĐT đã có công văn đồng ý về mặt chủ trương cấp bằng tốt nghiệp cho 273 HS, sinh viên đã hoàn thành chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp nhưng sau đây vẫn còn một câu chuyện dài khi sẽ triển khai thế nào?
Bởi thực tế, trước đó nhiều năm Sở GDĐT Hà Nội, Phòng GDĐT quận Cầu Giấy (địa bàn trường hoạt động) không hề được nhà trường thông báo khi đào tạo chương trình phổ thông. Trường tự tổ chức giảng dạy rồi sau này tự cấp bằng mà thiếu vắng hoạt động quản lý, thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng thì tấm bằng này chất lượng đến đâu vẫn là một dấu hỏi lớn.
Đào tạo “3 không”
Chỉ có bằng CĐ nhưng không có bằng THCS, THPT, TCCN là câu chuyện hi hữu đã xảy ra ở Trường Múa mà theo đại diện nhà trường, là “lỗi kỹ thuật” và mang tính lịch sử để lại.
Đây không phải lần đầu tiên Báo Đại Đoàn Kết đề cập đến nguy cơ “trắng tay” của HS Trường Múa. Giữa tháng 10/2020, chúng tôi đã có bài phản ánh về vấn đề này khi nhiều phụ huynh của trường có đơn thư “kêu cứu” về việc con họ tốt nghiệp hệ CĐ Học viện Múa Việt Nam, thi đỗ vào Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và trúng tuyển, đã nhập học được hơn 1 tháng nhưng khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục thì không có gì! Không có bằng tốt nghiệp THCS, không có bằng tốt nghiệp THPT và không có cả bằng tốt nghiệp TC. Chỉ duy nhất học bạ sao lưu có đóng dấu của Học viện Múa Việt Nam.
Khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, ông Phạm Ngọc Anh cho biết Học viện Múa Việt Nam khi đào tạo chương trình phổ thông, trường không thông qua Phòng Giáo dục của quận, không tổ chức cho HS thi chung với các kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy không đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Học viện Múa Việt Nam đã không liên kết với Phòng GDĐT của quận Cầu Giấy, dẫn tới việc toàn bộ HS, sinh viên các khóa này không có mã số định danh. Vì vậy, dù học nghiêm túc và vất vả, song song cả chương trình văn hóa và chương trình chuyên môn (theo ý kiến các phụ huynh - PV) nhưng những HS Học viện Múa Việt Nam lại không có cả bằng tốt nghiệp THCS. Trong khi đây vốn là quyền lợi đương nhiên của HS đã hoàn thành chương trình ở các trường THCS khác mà không phải trải qua một kỳ thi nào. Chỉ với bằng tốt nghiệp THPT, HS mới phải tham gia kỳ thi chung toàn quốc và một số ít các em bị trượt.
Phụ huynh của 325 HS (gồm cả HS đã tốt nghiệp và đang học tại trường) đã nhiều lần kiến nghị với nhà trường, có đơn “kêu cứu” gửi báo chí bởi vụ việc HS ra trường “3 không” về bằng cấp đã xảy ra từ 3 năm trước. Hệ quả là nhiều HS ra trường không thể học lên trình độ cao hơn, hoặc không xin được việc làm vì thiếu văn bằng cần thiết.
Phương án được nhà trường đưa ra là đang kiến nghị lên 2 Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL là cho phép Học viện Múa Việt Nam in phôi bằng và cấp bù bằng cho HS đã tốt nghiệp CĐ nhưng chưa có bằng TCCN. Riêng bằng tốt nghiệp THCS và THPT, nhà trường không thể cấp.
Ai kiểm tra?
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/4 Bộ GDĐT đã có công văn số 1261/BGDĐT-GDTrH gửi Bộ VHTTDL, trong đó đưa ra hai phương án cụ thể.
Trường hợp Học viện Múa Việt Nam tổ chức đào tạo đầy đủ chương trình theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 1/10/2004 ban hành chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, thì Học viện Múa Việt Nam cấp bằng tốt nghiệp cho HS theo thẩm quyền. Bộ GDĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành.
Trường hợp HS đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT ngày 28/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành quy định khung TCCN, Bộ GDĐT đồng ý để Học viện Múa Việt Nam cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Như vậy, về mặt chủ trương đã có nhưng để những HS này sở hữu tấm bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì cần một lộ trình nữa. Trong đó, việc thanh kiểm tra lại vấn đề tổ chức đào tạo của Học viện Múa Việt Nam những năm qua ra sao là một vấn đề lớn bởi các kỳ thi đều do nhà trường tự tổ chức, không thông qua một kỳ thi, kỳ kiểm tra chung nào như những trường THCS, THPT khác thì cơ sở nào để các bảo đảm các em đã hoàn thành chương trình học đúng chuẩn?
Đó là chưa kể, theo một đại diện Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT, để đánh giá việc học của HS không chỉ căn cứ trên kết quả thi mà còn căn cứ vào quá trình học tập, rèn luyện của các em trong cả năm học. Vậy, thời gian đã trôi qua vài năm, HS có khóa đã ra trường thì việc đánh giá này có thực chất hay cũng qua loa lấy lệ?
Ngày 2/4 trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, một lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết đã nhận được công văn của Bộ GDĐT về việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp TCCN cho học viên Học viện Múa Việt Nam. Tuy nhiên về hướng giải quyết cụ thể thì sau đây cần phải họp bàn để đưa ra phương án triển khai hợp lý trên cơ sở đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho HS.
Với bằng cấp hoặc giấy chứng nhận này, HS có nguyện vọng học lên cao hơn ở các trường khác không thuộc hệ thống các trường nghệ thuật do Bộ VHTTDL quản lý là không được vì các em không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Điều này thực sự gây khó cho HS và gia đình bởi trên thực tế, HS học hệ TCCN từ khi còn khá nhỏ, hết lớp 6 cấp THCS nên có thể đến khi 18 tuổi, định hướng của các em đã thay đổi. Lúc đó, trở đi mắc núi trở lại mắc sông.
Trước đó, Học viện Múa Việt Nam xin phép Bộ GDĐT cho phép Học viện cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS, THPT và cho phép 273 em dùng giấy này đi đăng ký học bù những môn Học viện dạy còn thiếu so với cấu trúc của trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) để lấy bằng THPT quốc gia.
Tuy nhiên, theo Luật GD 2019, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn), để chỉ liên thông từ TC lên CĐ trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên ĐH được. Với quá trình đào tạo của Học viện Múa không liên kết với các trung tâm GDTX, không thông qua phòng GDĐT trên địa bàn thì việc cấp giấy chứng nhận THCS, THPT là một đề nghị khó thực thi.