Cầu Long Biên đang xuống cấp
Cầu Long Biên (TP Hà Nội) được ví như “chứng nhân lịch sử” của thủ đô hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Lan can và nhiều kết cấu sắt thép bị gỉ sét ăn mòn, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà. Thậm chí quá trình sửa chữa của đơn vị thi công còn để lộ rõ nhiều mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi di chuyển qua cầu. Cùng với đó là những hình ảnh “nhếch nhác”.
Chứng nhân lịch sử…
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của thành phố Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng từ năm 1899-1902, khi đó đặt tên là cầu Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Dấu mốc thời gian thi công cho đến khi hoàn thành cây cầu vẫn còn được ghi rõ trên tấm biển kim loại đầu cầu “1899 -1902, Daydé & Pillé - Paris”.
Thời điểm Pháp cho xây dựng cầu Long Biên với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ. Chính vì vậy mà cây cầu đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Cây cầu đã cùng người dân thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Lịch sử còn ghi lại, những ngày mùa Thu năm 1954, cầu Long Biên đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Trong những năm tháng khói lửa ấy, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, có 9 nhịp cầu bị đánh sập và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông.
Cầu Long Biên vắt qua ba thế kỷ, đã chứng kiến những thăng trầm hào hùng của lịch sử thủ đô, hình ảnh cây cầu đã là cảm hứng thi ca của nhiều tác giả như thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng viết: “Cầu Long Biên - đó là tên cầu cũ/ Bắc qua sông bằng sắt thép già nua/ Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá/ Không thanh sắt nào không vết đạn bom…”. Kiến trúc của cầu và dấu vết thời gian tạo lên sự hấp dẫn đặc biệt cho những du khách khi đặt chận đến Hà Nội và với cả những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh.
Xuống cấp nghiêm trọng
Không chỉ là nhân chứng của một thời lịch sử hào hùng mà cầu Long Biên còn là điểm nối giao thông huyết mạch giữa hai bờ sông Hồng. Hiện nay cây cầu vẫn đang chia sẻ gánh nặng giao thông với những cây cầu được xây sau này. Cũng vì thế, đến nay cầu Long Biên đã xuất hiện những dấu hiệu rõ rệt của sự xuống cấp. Đi dọc theo cầu, có thể thấy nhiều dấu tích hư hại từ mặt cầu, thành cầu đến lan can và làn đường dành cho người đi bộ.
Hiện tại mặt cầu Long Biên dành cho xe cơ giới ở cả hai chiều xuất hiện tình trạng ổ gà, nhiều đoạn lồi lõm ảnh hưởng đến các phương tiện khi tham gia giao thông qua đây.
Theo hướng di chuyển từ đường Trần Nhật Duật lên đầu cầu Long Biên, hình ảnh những thanh tà vẹt mục nát sau khi được Công ty TNHH Quản lý Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao trách nhiệm quản lý cầu Long Biên) thay thế bị vứt ngổn ngang, chỏng chơ, nhếch nhác trong suốt thời gian dài gây mất mỹ quan. Có những thời điểm, đơn vị sửa chữa còn chuyển hàng chục thanh tà vẹt mới tập kết tại đây để tràn xuống lòng đường - nối dẫn lên cầu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Không dừng lại ở đó, trên làn đường dành cho người đi bộ, nhiều điểm lan can rỉ sét, đứt rời khỏi phần kết cấu ban đầu. Do sự xuống cấp của mặt đường, những tấm thép đã được sử dụng tại một số điểm nối để gia cố.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trong thời gian gần đây, mặt cầu Long Biên đang được sửa chữa. Tại những điểm sau khi được sửa chữa xuất hiện đá dăm lổm nhổm trên mặt đường. Anh Ngọc, một người dân thường xuyên có việc di chuyển qua cầu Long Biên chia sẻ: “Mấy năm gần đây mặt cầu xuất hiện ngày càng nhiều ổ gà khó khăn cho các phương tiện di chuyển qua đây. Mấy hôm gần đây trên mặt cầu những chỗ vá ổ gà có những viên đá nhỏ bắn tung tóe mặt đường nếu di chuyển qua mà không chú ý là rất nguy hiểm. Cầu cũng lâu nên chuyện xuống cấp là điều đương nhiên nhưng cũng mong sao người ta sửa chữa sao cho được lâu bền chứ không tình trạng vá víu nay chỗ này, mai chỗ khác chả mấy mà lại hỏng”.
Được biết dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng rồi đâu lại vào đó. Cùng với đó là tình trạng buôn bán hàng rong trên cầu không chỉ gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù cầu Long Biên tuy chưa phải là di tích nhưng vẫn là một trong các công trình kiến trúc Pháp mang ý nghĩa giá trị lịch sử. Chính vì vậy, cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội cần lên tiếng và có hướng bảo vệ trước sự xuống cấp nghiêm trọng đang diễn ra.