Hà Tĩnh sẽ ‘hồi sinh’ được Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo?
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Cầu Treo (Hà Tĩnh) là 1 trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập từ năm 2007 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Với diện tích tự nhiên gần 57.000ha (gồm các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn của huyện Hương Sơn) là khu phi thuế quan, với nhiều ưu đãi nên khoảng 3 năm đầu (giai đoạn 2007-2010) đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo thành một khu kinh tế năng động.
Tuy nhiên, sau đó nhiều doanh nghiệp bỏ đi, để lại nhiều công trình dang dở, người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn. Đã có lúc người ta gọi đây là “điểm đen” trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, những thay đổi trong cơ chế chính sách là nguyên nhân chính của thực trạng này. Các chính sách ưu đãi trong khu kinh tế chưa có tính ổn định dài hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Cụ thể, theo Quyết định 162/2007 của Thủ tướng Chính phủ, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là khu phi thuế quan, với các ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước. Từ đó, hạ tầng tại khu cửa khẩu xuống cấp nghiêm trọng.
Nhằm hồi sinh khu kinh tế được xem là vùng động lực phát triển phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Cầu Treo là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương về bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm tiến độ giải ngân, xây dựng dự án/công trình.
Như vậy, cơ hội mới một lần nữa đã đến với vùng đất này. Nếu phát triển tốt thì không chỉ là tăng trưởng kinh tế nội địa mà còn là giao thương quốc tế khi Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đối diện với cửa khẩu quốc tế Nậm Phao (huyện Khamkheuth, tỉnh Bolikhamxay, Lào).