Ma túy ẩn náu trong bệnh viện
Nửa đêm ngày 31/3, chính xác là vào lúc 23h, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần trung ương 1, đề nghị xác minh và xử lý vụ việc liên quan tới vụ án ma túy tại BV này. Báo cáo nhanh vụ việc về Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế trước 10h ngày 1/4). Đây là vụ án nghiêm trọng và bất ngờ, xảy ra ở một nơi thật khó tin là BV chữa trị người bệnh tâm thần.
Xử lý bước đầu
Trước đó, cùng trong ngày 31/3, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội cho biết đã triệt phá thành công một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (huyện Thường Tín, Hà Nội),khởi tố 6 bị can, trong đó có 1 cán bộ bệnh viện.
Đường dây do Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu. Đáng chú ý, Quý đang điều trị tại chính BV này. Núp trong vỏ bọc là bệnh nhân tâm thần, Quý cùng đồng bọn đã biến phòng bệnh nội trú thành nơi sử dụng, buôn bán, tang trữ ma túy.
Sáng 1/4, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn đối với BS Vương Văn Tịnh - Giám đốc BV Tâm thần trung ương 1 để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra về vụ án ma túy xảy ra tại BV này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là vi phạm nghiêm trọng trong quy trình quản lý BV và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh.
Cùng với Giám đốc BV thì một số thuộc cấp cùng bị đình chỉ công tác, gồm: BS Đỗ Thị Lưu -Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền; Tạ Thị Thêm - Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền (nơi trực tiếp điều trị cho Nguyễn Xuân Quý).
Bước đầu, nói như ông Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) những người liên quan trực tiếp là Trưởng khoa, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, đội ngũ bảo vệ. Đặc biệt, làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu của BV là Giám đốc và Phó Giám đốc được giao nhiệm vụ phụ trách khoa.
Đúng nhưng chưa đủ, vì trong một vụ án ma túy nghiêm trọng được tổ chức ngay trong một BV thuộc Nhà nước quản lý, thì không thể “một tay che được mặt trời”, BV có rất nhiều tổ chức, đoàn thể, rất nhiều án bộ, nhân viên không thể nói là đường dây này hoạt động “kín như bưng”. Ý kiến cho rằng đây là một vụ phạm pháp tập thể không phải là không có lý.
“Bệnh nhân” Nguyễn Xuân Quý là ai?
Nguyễn Xuân Quý có tiền sử bệnh tâm thần, vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 từ tháng 11/2018. Do thời gian ở BV kéo dài, Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ phục vụ trong viện và được tạo điều kiện tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu.
Không thể chỉ vì “ở lâu, quen nhiều người” mà Quý có thể cải tạo phòng điều trị thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laze để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nơi đây được biến thành “trung tâm giải trí” không chỉ dành cho anh em chiến hữu, bạn bè của Quý mà còn có cả một số cán bộ BV cũng tham gia.
Điều đáng nói là với Nguyễn Xuân Quý, trong thời gian điều trị bệnh tâm thần (kể từ cuối năm 2018) , Quý đã nhiều lần ra khỏi BV. Vào thời điểm đầu tháng 1năm nay, Quý bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về BV để điều trị.
Như vậy, kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ma túy lại là “nhân vật VIP” của BV Tâm thần; ra vào BV thoải mái, kể cả bị bắt do tàng trữ ma túy thì cũng lại được “trả về BV” như một ngoại lệ khó tin. Lại càng kinh khủng hơn nữa khi “bệnh nhân tâm thần” này còn điều được cả những cô gái làm “dịch vụ” vào “trung tâm giải trí” trong BV để cùng sử dụng ma túy.
Theo cảnh sát điều tra, Quý đã tổ chức mua bán ma túy ngay tại BV. Những người đến mua ma túy thường giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân. Quý không trực tiếp đưa “hàng”, mà sai đàn em mang giao cho khách hoặc hẹn ở khu vực sân tennis, bãi đỗ xe phía sau khu điều trị trong BV, rồi ném ma túy qua cửa sổ phòng bệnh từ tầng 2 xuống.
Để tránh bị phát hiện, “bệnh nhân tâm thần” này còn bố trí Nguyễn Trung Nguyên (SN 1983, thường trú xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) và Nguyễn Công Thường (SN 1986, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngụy trang thành lái xe taxi, xe ôm công nghệ túc trực tại cổng BV, chỉ để cảnh giới và đi giao ma túy.
Trường hợp “độc nhất vô nhị”
Hiện Công an Hà Nội đang mở rộng điều tra về trách nhiệm của BV Tâm thần trung ương 1 trong việc để bệnh nhân tự ý cải tạo buồng bệnh thành phòng “bay lắc”, mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Và tất nhiên vụ án này còn sẽ phải tiếp tục mở rộng, đường dây tội phạm rồi sẽ bị bóc gỡ.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Hiền - Phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Hà Nội), thì từ các nguồn tin thu thập được, thông qua các vụ án đã đấu tranh bắt giữ năm 2020, đơn vị đã phát hiện một nhóm nghi phạm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy tại BV Tâm thần trung ương 1, trong đó Quý là người cầm đầu. Từ đó, một chuyên án được lập ra.
Vẫn theo Thượng tá Hiền, bệnh nhân điều trị ở BV Tâm thần trung ương 1 bị quản lý việc ra vào rất chặt chẽ. Vì thế, nếu Quý được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu thì chắc chắn phải có “quan hệ” hết sức thân thiết với cán bộ BV.
“Băng nhóm này hoạt động bởi BV quản lý lỏng lẻo và đặc biệt là có sự tiếp tay của nhiều nhân viên y tế. Cán bộ BV biết nhóm này ngang nhiên phạm tội mà vẫn làm ngơ và còn giao cả chìa khóa ra vào khu vực điều trị cho kẻ cầm đầu” - Thượng tá Hiền nói và cho biết thêm, đang đặt dấu hỏi tại sao BV lại cho bệnh nhân được tự cải tạo buồng bệnh thành nơi “bay lắc”?
Trở lại với động thái từ Bộ Y tế, ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ này cho rằng đây là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
“Bệnh nhân được cải tạo phòng bệnh thuộc Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền thành phòng riêng, có hệ thống cách âm để tổ chức “bay lắc” thì quá khủng khiếp! Trong căn phòng này, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có tủ lạnh, bộ ngà voi, dàn loa lớn... để phục vụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, Nguyễn Xuân Quý cũng sử dụng làm nơi để giao dịch mua bán ma túy. Nghiêm trọng hơn, phòng bệnh không chỉ là động bay lắc mà kết hợp với hoạt động mại dâm. Sự việc xảy ra còn có sự tham gia của nhân viên bệnh viện” - ông Quang nói.
Tới đây, dư luận cho rằng, không chỉ có sự bao che, làm ngơ của một số cán bộ, nhân viên BV mà sự việc nguy hiểm hơn rất nhiều: Đó là bắt tay buôn bán ma túy, biến một cơ quan nhà nước (lại rất đặc thù là bệnh viện điều trị bệnh nhân tâm thần) thành ổ ma túy, ổ mại dâm trụy lạc. Đó là điều không thể chấp nhận.