Chớm vào mùa nóng, lượng điện tiêu thụ đã tăng
Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho hay, sản lượng tiêu thụ điện trong các tháng mùa khô liên tục tăng cao. Tuy nhiên, để ứng phó với những đợt nắng nóng, đơn vị này cố gắng hạn chế tình trạng mất điện liên tục hay mất điện kéo dài.
“Dự báo sản lượng điện nhận bình quân của tháng sắp tới tiếp tục tăng cao, đạt từ 79,7 đến 97 triệu kWh/ngày, tăng cao so với cùng kỳ (cùng kỳ là khoảng 73,14 kWh/ngày)”, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Điện lực TP HCM nhận định.
Thống kê chỉ rõ, từ giữa tháng 3 đã xuất hiện nhiều ngày có sản lượng điện tiêu thụ cao trên 80 triệu kWh/ngày, tương ứng với giai đoạn nền nhiệt tăng cao, với nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt 35 - 36 độ C. Riêng ngày 24/3, ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là 86,278 triệu kWh, ứng với ngày có nhiệt độ cao nhất trong ngày là 36 độ C.
Mặc dù, sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn TP HCM tăng cao, song phía nhà cung cấp khẳng định, giảm tối đa sự cố mất điện. Tổng Công ty Điện lực TP HCM đề nghị, các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa, cảnh báo mất điện để phát hiện, xử lý nhanh các trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện.
Trong trường hợp có sự cố xảy ra sẽ tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương chuyển tải trước, xử lý sự cố sau. Thời gian xử lý sự cố bình quân dưới 5 phút. Nghĩa là, ngay khi xảy ra sự cố phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch hoặc một nhánh khác.
Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, quy luật hàng năm, tiền điện các tháng nắng nóng sẽ tăng cao và giảm khi bước vào mùa mưa. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến mức tiêu thụ điện từ tháng 3 đến tháng 6 tăng cao. Tiền điện tăng là do lượng điện tiêu thụ tăng.
Cụ thể, đối với thành phần điện sinh hoạt, năm 2018 tăng 23%, năm 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%. Dự kiến, năm 2021 tăng 35,94% so với 2 tháng cùng năm. Một nguyên nhân khác, số ngày các tháng 3, 4, 5, 6 có 30, 31 ngày, cao hơn tháng 2 có 28, 29 ngày nên lượng điện tăng tương ứng 7,14 - 0,71%. Bên cạnh đó, khi lượng điện tăng xuất hiện hiện tượng nhảy bậc theo bậc thang đơn giá điện hiện hành.
Mong muốn giảm điện năng tiêu thụ mùa nắng nóng, điện lực thành phố đưa ra giải pháp tiết kiệm điện trong gia đình vào mùa khô. Theo đó, cần tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, ngắt nguồn điện các thiết bị điện khi không sử dụng. Hạn chế tối đa sử dụng các thiếu bị tiêu thụ nhiều điện vào các khung giờ cao điểm. Sử dụng thiết bị điện có nhãn tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao.
Đặc biệt, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ hợp lý là 26 độ C. Ngoài ra, các hộ gia đình có thể cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng hoặc truy cập trang web để thường xuyên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng nhằm có giải pháp chủ động điều chỉnh sử dụng điện. Phía nhà cung cấp điện cho biết thêm, từ năm 2020, điện lực Việt Nam đã áp dụng thống nhất toàn quốc mẫu thông báo tiền điện và hóa đơn điện tử.
Trên đó có nhiều thông tin để theo dõi, kiểm tra chỉ số tiền điện, cách tính tiền điện… góp phần minh bạch hóa đơn tiền điện. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tăng cường kiểm tra, theo dõi và trả lời các thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện. Từ đầu năm đến này tiếp nhận 254.022 yêu cầu khách hàng và đã được giải quyết trực tuyến 100%.
Trước tình trạng tiêu thụ điện tăng vọt trong những tháng mùa khô, Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM tổ chức truyền thông chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022. Trong đó, tổ chức triển khai tuyên truyền có hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tại TP HCM, từ giữa tháng 3 đã xuất hiện nhiều ngày có sản lượng điện tiêu thụ cao trên 80 triệu kWh/ngày, tương ứng với giai đoạn nền nhiệt tăng cao, với nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt 35 - 36 độ C. Riêng ngày 24/3, ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là 86,278 triệu kWh, ứng với ngày có nhiệt độ cao nhất trong ngày là 36 độ C.