Mùa hè phía trước
Ngày mai, 6/4 tới, clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Bao la biển gọi” sẽ chính thức ra mắt trên nền tảng YouTube. Clip do Tổng cục Du lịch thực hiện, được đưa ra vào thời điểm mùa du lịch hè đang đến rất gần, mà trước mắt là dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Clip mới này được coi là tiếp nối thành công từ 2 clip trước có tên “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Đất nước, con người” và “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực”; với kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, trong khi các tuyến bay thương mại sắp bắt đầu với cho những du khách nước ngoài có “hộ chiếu vaccine”.
Trong vòng 10 năm qua, trừ năm 2020 đại dịch Covid-19 hoành hành, còn thì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch được coi là lý tưởng. Trong năm 2020, cho dù vô vàn khó khăn nhưng du lịch cũng nhanh chóng và mạnh dạn xoay trục hướng về khách nội địa, với phương châm vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế.
Năm nay, đợt dịch mới nhất cũng đã được kiểm soát tốt, vùng dịch dữ dội nhất là tỉnh Hải Dương thì cũng đã gỡ phong tỏa, trở lại trạng thái bình thường mới. Trên phạm vi cả nước, nhiều ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Kiểm soát tốt dịch bệnh, mùa hè đang đến, đó là những yếu tố rất tốt để du lịch bùng nổ. Nói như các chuyên gia kinh tế, thì nếu chần chừ, nếu ngại ngần thì sẽ mất cơ hội.
Những ngày này, trên đường phố Hà Nội, tinh khôi màu hoa loa kèn tháng Tư. Hoa loa kèn nở gọi mùa hè về. Ở tỉnh miền núi Sơn La cũng vào mùa hoa sơn tra - loài hoa thật đẹp của núi rừng Tây Bắc. Còn thì với 28 địa phương trong cả nước có biển, mọi sự đã sẵn sàng cho một mùa du lịch hè.
Tuy nhiên, vẫn không phải đã hết khó khăn. Suốt thời gian qua, các hãng bay, các công ty lữ hành phải gồng mình chống chịu. Để có thể duy trì hoạt động, người ta đã phải áp dụng nhiều gói khuyến mại, có khi còn rẻ đến không ngờ. Điều đó đã góp phần cho các tour, chuyến ngắn ngày trong bối cảnh thực hiện Thông điệp 5K + Vaccine.
Dẫu là tốt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng kích cầu du lịch bằng cách giảm giá là “con dao hai lưỡi”, vừa cần thiết nhưng cũng lại nguy hiểm. Nhận xét đó có trong báo cáo “Đổi mới ngành du lịch: Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi như thế nào”, của Công ty Tư vấn McKinsey & Company.
Theo đó, việc này có thể sẽ dẫn đến tình trạng “pha loãng giá”, đặc biệt là đối với hệ thống khách sạn trên cả nước. Theo McKinsey & Company, trên thế giới du khách đang cá nhân hóa những chuyến đi bằng việc thám hiểm điểm đến. Chi tiêu trong ngành du lịch đang dần chuyển trọng tâm từ chi tiêu cho lưu trú sang chi tiêu cho hoạt động, “và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này”.
Điều này cũng có thể thấy tại báo cáo của Tổng cục Thống kê: Số tiền dành cho lưu trú của du khách trong nước đã giảm dần trong vài năm trở lại đây, từ 23% năm 2011 xuống còn xấp xỉ 15% năm 2019. Có nghĩa là thay vì chi cho phòng nghỉ hạng sang, du khách đang dành tiền cho những trải nghiệm.
“Pha loãng giá”, đánh tụt giá xuống trong nhiều trường hợp cũng kéo theo cả việc chất lượng dịch vụ tồi. Điều đó về lâu về dài là rất nguy hiểm, vì xây dựng được thương hiệu rất khó nhưng đánh mất thương hiệu thì chỉ trong chốc nhát.
Chính vì thế, dịp này, khi mùa du lịch hè đã đến người ta sôi nổi bàn tán về giá cả, điểm đến, chất lượng dịch vụ. Những người làm du lịch lâu năm cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động của nó có bản chất là sự kết nối. Vì thế, khẩu hiệu và cũng là phương châm phát triển của nó phải là “phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích”.
Suốt hơn một năm qua, dịch Covid-19 hoành hành, đã có hàng nghìn doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ không đủ sức trụ vững trước khó khăn buộc phải dừng hoạt động, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng. Rất nhiều người lao động trong các doanh nghiệp này đã chuyển đổi công việc. Vì thế, khi thời cơ đến không thể bỏ lỡ nhưng cũng không thể “làm lấy được” bất chấp chất lượng để lại suy thoái lâu dài.
Một vị lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, phương châm tốt nhất trong thời điểm này là “Hòa để tiến, chờ để chiến”. Làm du lịch thời điểm này phải biết chia sẻ lợi nhuận, không thể “làm tất, ăn cả”. Muốn vậy thì phải tuân thủ các yếu tố kết nối thời gian - kết nối không gian và kết nối dịch vụ, để phục vụ đa dạng các đối tượng du khách.
Trở lại với mùa du lịch hè năm nay, nhiều kỳ vọng sẽ thu hút khách nội địa, trong khi chờ khách quốc tế đến. Xin được nhắc lại, dù chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng “bóng ma” của nó thì vẫn lởn vởn. Do đó, Thông điệp 5K + Vaccine phải được tuân thủ triệt để.
Chúng ta chờ đón một mùa hè rộn ràng, chờ đón sự phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế của đất nước, trong đó có du lịch. Ngay từ mùa hè này. Nhưng, nói như PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì muốn thành công trong bối cảnh hiện nay, đó phải là câu chuyện mới, tư duy mới và hành động mới…