Những đồng vốn thoát nghèo
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS là 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ bình quân một xã tại vùng đồng bào DTTS và miền núi là 21,7 tỷ đồng.
Trên thực tế, những năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165 nghìn lao động. Đồng thời, trên 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như trên 216 nghìn căn nhà ở cho hộ đồng bào.
Nguồn vốn tín dụng được đưa tới hộ DTTS nghèo đã giúp đồng bào phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy khả năng sử dụng vốn của đồng bào tương đối hiệu quả, vốn vay luôn được hoàn trả đúng hạn.
Tuy nhiên, nói như ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thì mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất và là “lõi nghèo của cả nước”. Trong giai đoạn 2021-2030, cần tiếp tục quan tâm với các chủ trương, chính sách tập trung phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi cần có nhiều đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.
Thời gian qua, nhờ vốn vay tín dụng ưu đãi, nhiều địa phương miền núi, nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Cụ thể với tỉnh Kon Tum, có hơn 53% đồng bào DTTS. Nhiều gia đình còn gặp khó khăn.
Trong câu chuyện của mình, chị Y Kum (sinh năm 1988, trú thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết, chị lập gia đình năm 2006, khi mới 18 tuổi. Do không có công ăn việc làm ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào trồng cây nông nghiệp, thiếu kiến thức chăm sóc nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, khi đã có ba con, gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Nhưng rồi được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, chị vay được 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, để nuôi trâu sinh sản. Đến năm 2016, gia đình chị trả được số tiền vay trước đó, tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cải tạo và chăm sóc vườn cà phê. Tới nay, gia đình đã có 1,5 ha cây cà phê, thu nhập hàng năm được trên 100 triệu đồng. Cái nghèo đã chỉ còn là dĩ vãng.
Không chỉ riêng chị Y Kum, xã Đăk La có 57% là người đồng bào DTTS. Cũng nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách, quyết tâm vươn lên của bà con mà tỉ lệ hộ nghèo trong xã từ 16,1% từ năm 2016 xuống còn 8,97% vào cuối năm 2019. Xã Đăk La phấn đấu đến hết năm 2024 tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,49%, đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Còn tại tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2015-2020, có trên 150.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với hơn 3.325 tỷ đồng. Điều này góp phần giúp gần 9.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 8.660 lao động; 7.952 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của Bình Phước giảm bình quân 0,89%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 2,56%, hộ cận nghèo là 2,33%.
Đó chính là những con số “biết nói”, vô cùng quý giá đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và đặc biệt là với bà con DTTS ở những vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.