Đường sắt cần vốn khủng
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư vốn cho ngành đường sắt giai đoạn 2021-2030 là hơn 665 nghìn tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với số vốn thực hiện giai đoạn 2011-2020. Trong khi đó, hệ thống đường sắt hiện có vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý vào dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tại văn bản này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đề nghị bổ sung vào quy hoạch đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng đường sắt, nhất là đánh giá về hiện trạng nhà ga, hệ thống kho ga, bãi hàng, đường kết nối đường bộ… đang gây khó khăn cho việc tăng cường kết nối và phát triển logistics. Đồng thời, chi tiết việc kết nối ga đường sắt với đường bộ. Dự báo khối lượng cần đề cập đến nhu cầu, khối lượng vận tải hàng hóa dự báo từ các khu công nghiệp, cảng cạn…
Đối với mục tiêu đầu tư đến năm 2030, Ủy ban đề nghị bổ sung việc nâng cấp hạ tầng nhà ga, hệ thống kho ga, bãi hàng, đường kết nối đường bộ, phát triển logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa trên tuyến. Ưu tiên, xem xét việc kết nối với các cảng cạn trong giai đoạn 2021-2030 vì có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất của địa phương…
Liên quan đến vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2021-2030, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, dự kiến tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn này hơn 665 nghìn tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với số vốn thực hiện giai đoạn 2011-2020 là hơn 39,4 nghìn tỷ đồng. Với nhu cầu đầu tư rất lớn như vậy, theo Ủy ban, cần làm rõ khả năng cân đối nguồn lực cho phù hợp với thực tế cũng như làm rõ các giải pháp huy động vốn.
Có thể thấy, đối mặt với những khó khăn kinh niên như hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư xứng đáng và thêm tác động của đại dịch Covid-19... ngành đường sắt đã khó nay lại càng lao đao. Nhưng để đường sắt tụt hậu là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước.
Tuy nhiên, về hiện trạng của ngành đường sắt, phải khẳng định ngành đường sắt và DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Hiện nay Tổng Công ty Đường sắt đang hoạt động cung cấp những sản phẩm dịch vụ mang tính công ích. Xã hội hóa hay cổ phần hóa để Tổng Công ty tự chủ chỉ là một phần rất ít.
Về phát triển ngành đường sắt trong tương lai, mới đây trong tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển ngành đường sắt Việt Nam” tại Hà Nội, ông Phan Lê Bình, chuyên gia về kỹ thuật hạ tầng nhìn nhận: Với sức phát triển rất mạnh và ổn định của Việt Nam những qua (năm 2020 Việt Nam đạt quy mô GDP đứng top 40 trên thế giới), việc hiện đại hóa đường sắt, cho đến nay đã được xem xét kỹ ở nhiều góc độ đến hàng chục năm. Đây là lúc chúng ta nghĩ về những quyết định, quyết sách, xem là chúng ta sẽ đầu tư như thế nào đối với một ngành giao thông vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Theo ông Bình, chúng ta bàn nhiều về cơ chế, cơ chế giao vốn, cơ chế về xác định minh bạch giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. Nhưng rất cần thiết phải xác định rõ trong quy hoạch phát triển là chúng ta làm đường đôi. Xác định được hướng tuyến, giữ đất, sau đó, có thể không phải ngay bây giờ chúng ta xây dựng đường sắt, đường đôi, nhưng 5 năm, 10 năm nữa, thậm chí 20 năm nữa, chúng ta có thể làm dần. Và ngay thời điểm này, chúng ta phải xác định được hướng tuyến và giữ đất cho phát triển đường sắt.
Để có bước đột phá cho ngành đường sắt, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc đầu tư của ngành đường sắt cần phải rà soát lại. Vừa qua, Chính phủ đầu tư rất nhiều cho hai thành phố về tuyến đường sắt nội đô với số vốn lớn, để đảm bảo giải tỏa ách tắc giao thông cũng như đổi mới hình ảnh của thành phố. Ngành đường sắt cũng phải tiếp cận như vậy. Tất cả những đầu tư này là đầu tư công, ngân sách phải cấp hoặc vay vốn về để cho DN làm. Khi hạ tầng đến một chừng mực nhất định, việc xã hội hóa để làm những tuyến tàu mang tính thương mại về lợi nhuận thì mới phát triển được.
Đề án quản lý khai thác hạ tầng của ngành đường sắt cần sớm hoàn thiện để xác định rõ lĩnh vực nào là trách nhiệm của Nhà nước thì ngân sách phải bố trí. Khi phân tách rõ, DN cần xác định mình phải làm gì. Những cơ chế chính sách gì để thúc đẩy cho DN thì chúng ta thiết kế cho DN trong một giai đoạn nhất định để có những giải pháp đột phá. Không thể bao cấp mãi được.
Khi đã là hạ tầng của Nhà nước, Nhà nước sẽ gắn quy hoạch của đường sắt với quy hoạch đường bộ và quy hoạch cảng biển, các khu công nghiệp, các cảng biển gắn liền với ngành đường sắt để đảm bảo kết nối. Kết nối với đường sắt đô thị mới đảm bảo hệ thống khép kín, phát huy được hạ tầng.
“Phải tách bạch để Nhà nước rõ trách nhiệm hơn và phân bổ nguồn lực lớn hơn, có chính sách đầy đủ hơn. Ngược lại để cho DN thấy ở đâu họ có động lực phát triển. Nếu tất cả giao cho DN như hiện nay thì DN luôn loay hoay, luôn khó khăn. Đây là một trong những vấn đề chúng tôi cho rằng phải có đột phá trong giai đoạn 2021-2025. Từ phân định rõ thì mới có thể xây dựng bộ cơ chế riêng cho ngành đường sắt từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030”, ông Tiến nói.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc đầu tư của ngành đường sắt cần phải rà soát lại. Cùng với việc đầu tư của Nhà nước thì cũng để cho doanh nghiệp thấy ở đâu, họ có động lực phát triển. Từ phân định rõ thì mới có thể xây dựng bộ cơ chế riêng cho ngành đường sắt từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030.