Những lưu ý khi đi mua sắm tại Trung tâm thương mại

An Chi 05/04/2021 16:23

Các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng là nơi tập trung nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài việc đảm bảo an toàn sức khỏe khi đi siêu thị, người dân cũng cần trang bị những kiến thức bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn.

Mới đây, hàng loạt các vụ cháy nổ thương tâm đã xảy ra như: Sự việc một chiếc ô tô đang đỗ ở tầng hầm của Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bỗng nhiên bốc cháy, khiến nhiều người đang mua sắm hoảng loạn, tháo chạy; vụ cháy tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người tử vong… đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ ngày càng tăng cao.

Mặc dù những nơi này đều được thiết kế các thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với những người chưa có kinh nghiệm trong chuyện này. Vì vậy, người dân cần lưu ý một số điểm sau khi đi mua sắm tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng…:

Bình tĩnh tìm cách báo động, dập lửa

Nếu nghe thấy tiếng chuông báo động cháy hoặc thấy khói bay lên một cách bất thường, hãy giữ bình tĩnh để nhanh chóng tìm ra giải pháp thông báo và dập đám cháy. Hãy ngay lập tức gọi điện cho đường dây cứu hỏa 114 hoặc thông báo cho bảo vệ, lễ tân… để họ có phương án kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng bình cứu hỏa để xịt vào đám cháy nếu cảm thấy có thể tự xử lý được. Nếu không thấy bình cứu hỏa, bạn có thể sử dụng cát hoặc vải ướt như quần áo, chăn thấm nước để phủ lên trên cũng giúp dập tắt ngọn lửa. Chỉ trong trường hợp đám cháy quá lớn và không thể dập tắt, bạn mới nghĩ đến phương án thoát hiểm.

Trước khi thoát hiểm

Hãy tìm hiểu và vạch ra trước những lối thoát hiểm ở quanh nơi bạn đang đứng để có thể chạy thoát ra ngoài một cách nhanh chóng và chính xác. Những biển báo lối thoát hiểm hay cửa thoát hiểm sẽ phát sáng trong môi trường khói mù mịt nên bạn có thể dễ dàng nhận ra và chạy theo hướng đó.

Trong trường hợp bạn đang mắc kẹt trong một căn phòng kín, việc bạn cần là kiểm tra xem phía sau cánh cửa kia có lửa đang cháy hay không. Bạn hãy kiểm tra tay nắm cửa, nếu tay nắm mát, không có khói bốc lên quanh các khe hở của cánh cửa thì bạn hãy chậm rãi mở cửa phòng và thoát ra nhanh chóng. Còn nếu khi chạm tay vào cánh cửa thấy nóng, khi đó lửa đã lan đến căn phòng của bạn và tuyệt đối không được mở cửa. Hãy chèn quần áo kín các khe hở của cánh cửa, không cho khói lửa lan vào phòng để không bị ngạt thở.

Thoát hiểm

Khi đã tìm được đường thoát hiểm, hãy dùng chăn ướt chùm lên người hoặc dùng quần áo ướt, khăn ướt che vào mũi để tránh khói độc. Nếu khói che mờ mắt bạn không thể quan sát đường đi, hãy dùng chân để dò đường và nhanh chóng thoát khỏi nơi đó.

Bên cạnh đó, hãy luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp sát với mặt sàn nhà và trong khi di chuyển. Sở dĩ cần làm như vậy vì khói sẽ luôn bay lên cao, khi bò ở vị trí thấp thì sẽ tránh được tối đa nguy cơ bị sặc khói độc. Sau khi tìm được lối thoát hiểm, hãy nhanh chóng dùng khăn ướt che mũi và chạy thoát ra ngoài.

Lưu ý:

  • Khi thoát hiểm, bạn nên bỏ lại những đồ cá nhân gây cản trở việc chạy thoát thân như balo, thú cưng hoặc túi xách…;
  • Không sử dụng thang máy;
  • Không nhảy ra ngoài cửa sổ nếu bên ngoài không có người ứng cứu;
  • Khi quần áo cháy, bạn tuyệt đối không chạy vòng tròn. Điều này khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội hơn;
  • Bạn có thể dập lửa trên quần áo bằng cách lăn vòng dưới đất;
  • Không nấp dưới gầm giường hoặc tủ quần áo, điều này khiến lính cứu hỏa khó tìm được bạn để giải thoát;
  • Nếu đã thoát được ra ngoài, đừng quay lại để cứu người khác. Hãy để lính cứu hỏa làm việc đó;
  • Sơ cứu bỏng bằng nước đá, tuyệt đối không bôi kem hoặc thuốc gì lên vết thương.

An Chi