Loạn quảng cáo thuốc đông y
“Bà con cô bác, ai có vấn đề về xương khớp thì hãy liên lạc ngay với tôi, nhà tôi 3 đời chữa trị bệnh này”; “tiểu đường tuýp mấy cứ gặp tôi là được chữa khỏi”... những kiểu quảng cáo thế này liên tục xuất hiện trên Youtube thời gian gần đây đã khiến nhiều người tin và mua về sử dụng.
Những kiểu quảng cáo quen thuộc trên mạng xã hội facebook như chữa dứt điểm các bệnh xương khớp, sỏi mật, sỏi thận, tiểu đường, hen suyễn, viêm xoang… đã khiến nhiều người mắc lừa. Tuy nhiên, sau một thời gian bị siết chặt, các “thần y” lại bắt đầu chuyển hướng sang Youtube.
Thậm chí, để tăng thêm niềm tin cho người bệnh, nhiều người còn ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của MC nhà đài để người xem tin tưởng vào công dụng chữa bệnh của thứ thuốc mà họ quảng cáo. Nhiều đoạn clip quảng cáo còn lấy hình ảnh những bác sĩ danh tiếng rồi chèn tên và cắt ghép chuyên nghiệp để giới thiệu cho sản phẩm mình đang bán.
Ở góc độ người bệnh, nhất là những người cao tuổi khi xem những đoạn quảng cáo như vậy họ rất dễ tin và liên hệ ngay theo số điện thoại với mong muốn dùng thuốc đông y vừa chữa được tận gốc căn bệnh, vừa rẻ tiền lại an toàn, không phải đến bệnh viện.
Mới đây, Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng. Trước đó, do mắc bệnh viêm khớp đã lâu, điều trị một số nơi chưa khỏi nên bệnh nhân có sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng, được các bác sĩ cho thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận…
Trung bình, mỗi tháng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng gần 20 trường hợp cấp cứu vì sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân nhập viện đều có các tổn thương gan, thận; trường hợp nặng thì phải lọc máu cấp cứu.
Vì muốn sinh con trai, một cô gái 25 tuổi, ở Sóc Sơn đã tự mua thuốc nam về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội phải nhập viện cấp cứu tại BV đa khoa Sóc Sơn. Tại đây, người bệnh được điều trị hết sốt nhưng vẫn đi ngoài phân đen kèm máu tươi. Bác sĩ chẩn đoán mắc viêm đại tràng và trĩ độ một, chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15/3. Tại đây, các xét nghiệm cho thấy cô gái có men gan cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường.
Theo lời BS. Vũ Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương men gan cao cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan. Bởi khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận, nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, có thể tử vong.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh cho rằng, cần phải tăng cường sự kiểm soát của cơ quan chức năng về hoạt động này. Quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ làm ảnh hưởng đến ngành đông y chân chính, ảnh hưởng tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc đông y từ trước tới nay mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo ông Cảnh, các sản phẩm thuốc đông y đều phải tuân thủ theo quy định của luật Dược, các Thông tư của Bộ Y tế, thuốc gia truyền cũng phải được quản lý, quảng cáo theo quy định. Vì vậy, cần dựa trên các Luật, văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý, giám sát các hoạt động này để người dân không còn hoang mang khi nghe quảng cáo mà không biết đâu là thật, đâu là giả.
Chẳng hạn, một số bệnh mãn tính như xương khớp, tiểu đường, thoái hoá cột sống.... không thể chữa khỏi, mà chỉ đỡ một thời gian. Vậy mà họ vẫn thản nhiên quảng cáo là có thể “chữa dứt điểm”. Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Cục không cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho những loại thuốc cam kết “chữa khỏi”, “chữa khỏi hoàn toàn” như trên các trang mạng xã hội đăng tải.
Theo Quyết định số 039/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Theo đó, người có bài thuốc gia truyền sẽ được Sở Y tế tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cấp cho người có đủ các điều kiện được công nhận là bài thuốc gia truyền. Các lương y muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề được sự công nhận của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế địa phương mà lương y đó hoạt động.