Nắm tình hình nhân dân để giám sát, phản biện hiệu quả

Trung Hiếu 06/04/2021 06:30

Thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được triển khai toàn diện, hiệu quả. Qua giám sát, Mặt trận các cấp đã kiến nghị tới với các cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo ở Cao Bằng. Ảnh: K.T.

Xác định hoạt động giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ, hằng năm, Ủy ban MTTQ huyện Thạch An đã xây dựng kế hoạch, và lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội quan tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

Từ việc chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, Mặt trận huyện đã giám sát, phản biện những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Nội dung giám sát như tập trung vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nông thôn mới; công tác cải cách hành chính; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Mặt trận từ huyện đến cơ sở đã chủ trì tổ chức hàng chục cuộc giám sát. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện tổ chức giám sát trực tiếp về tình hình triển khai thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; giám việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát trực tiếp 13 cuộc về việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án dân sự, hình sự tại UBND các xã thị trấn trên địa bàn.

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội trên địa bàn huyện Thạch An cũng có bước chuyển tích cực. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Còn tại huyện Nguyên Bình, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận cũng đi vào chiều sâu với những kết quả thiết thực. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Mặt trận các cấp đã triển khai nhiều hình thức giám sát đa dạng, trên nhiều lĩnh vực như giám sát việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tham gia cùng HĐND huyện giám sát về quy trình rà soát các hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới, việc thực hiện hòa giải cơ sở; việc triển khai, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công…

Điểm đáng ghi nhận tại tỉnh huyện Nguyên Bình đó là việc giám sát thường xuyên được Mặt trận các cấp coi trọng thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua hoạt động, hàng năm các Ban này đều tổ chức từ 5 đến 6 cuộc giám sát và có những kiến nghị đề xuất tới cấp ủy, chính quyền để kịp thời giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Đặng Thị Duyên, việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương.

Những kết quả đạt được của Mặt trận các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội đã góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Trong năm 2020, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã chủ trì, phối hợp giám sát được 90 cuộc. Nội dung giám sát tập trung hướng đến các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân như việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; việc thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp…

Trung Hiếu