Nghệ An: Xã bán đất trái phép, dân lãnh hậu quả
Người dân phải bỏ ra một khoản tiền lớn theo yêu cầu để mua một mảnh đất của xã. Vậy nhưng, sau gần 15 năm, những lô đất mà nhiều hộ dân sở hữu vẫn không thể làm được sổ đỏ.
Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Ông Nguyễn Văn Oánh và 14 hộ dân thuộc xóm 6, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trình bày: Vào năm 2006, khi xã có chủ trương bán đất khu vực Nền Dầu (nay thuộc xóm 7, xã Hưng Đạo), ông Oánh và một số hộ dân khác, mỗi gia đình đã mua một lô. Mọi nghĩa vụ tài chính đã được những người mua đất hoàn thành. Vậy nhưng, sự việc kéo dài đến nay đã 15 năm, người dân vẫn không làm được sổ đỏ.
Đơn cử như gia đình ông Oánh thuộc diện ưu tiên vì là thương binh nên được mua một suất đất. “Tôi mua lô số 1, giá gần 29 triệu đồng. Thời điểm đó vét sạch trong nhà cũng chỉ được gần 9 triệu, 20 triệu tôi phải vào ngân hàng thế chấp để vay. Theo thông báo của xã, sau 3 ngày kể từ ngày mua đất, chúng tôi đã đóng đầy đủ tiền đất, tiền thuế đất. Thế nhưng từ đó đến nay, chúng tôi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã mua”, ông Oánh ngao ngán.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Phan Đình Hải (trú xóm 6) bức xúc: “Đất chúng tôi đã làm nhà, chia cho con ở nhưng vẫn không làm được sổ đỏ”. Từ đó đến nay, các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đã mua, nhưng không có kết quả. Một chủ đất phân trần: “Chúng tôi kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri từ xã đến Trung ương rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Trên huyện bảo tiền bán đất xã không nộp lên huyện nên không thể cấp bìa được. Xã bán đất công khai, chúng tôi mua có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Ở đây, nếu sai là cấp chính quyền, sao lại để hậu quả cho người dân phải gánh chịu?”.
Cần phải tháo gỡ
Ông Lê Huy Khoa, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo khẳng định: Sự việc xảy ra thuộc về trách nhiệm của những người tiền nhiệm. Vào thời điểm đó, những lô đất này theo quy định là phải tổ chức đấu giá, nhưng xã lại xét giá giao đất, tức là giao đất theo hình thức định giá chứ không thực hiện đấu giá. Việc giao đất như thế là không đúng quy định, trái thẩm quyền.
Cũng theo ông Khoa, đến nay UBND xã đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân và cũng đã tổ chức họp các hộ dân, thông báo hướng dẫn giải quyết của huyện, nhưng do việc bán đất là trái thẩm quyền nên không thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ dân được. Theo quy định hiện hành, các hộ dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo giá tại thời điểm này, tức là các hộ phải nộp thêm tiền để được cấp bìa nhưng họ không đồng ý.
Về số tiền người dân đã nộp mua đất vào năm 2006, ông Khoa cho biết: Số tiền này đã đi đâu thì ông cũng không biết vì bản thân mới làm Chủ tịch UBND xã từ năm 2020, trong khi những người liên quan đến vụ việc đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác sang xã khác.
Hiện người dân vẫn đang giữ các biên lai thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trên đất. Số tiền này sẽ được trừ vào số tiền người dân đóng thêm vào thời điểm làm thủ tục cấp bìa. Theo ông Lê Huy Khoa, vào năm 2006, có 37 lô đất đã được xã xét giá giao đất trái thẩm quyền chứ không phải chỉ có 15 hộ dân này.
Hiện, các lô đất đã được người dân làm nhà kiên cố và sinh sống ổn định, không có tranh chấp. “Một số hộ dân trong số 37 hộ mua đất nói trên đã đóng khoản chênh lệch so với thời điểm mua đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Lê Huy Khoa cung cấp thêm thông tin.
Ông Lê Phạm Hùng, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Hiện huyện chưa nhận được đơn phản ánh của người dân. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn, huyện sẽ cho thành lập đoàn để kiểm tra và có chỉ đạo cụ thể. Ông Hùng cũng cho rằng, những việc như thế này từ trước đến nay vẫn chưa xử lý được vì vướng phải luật. “Việc rà soát vấn đề bán đất, huyện chúng tôi chỉ mới kiểm tra từ ngày 1/7/2004 trở về trước. Còn từ năm 2004 đến năm 2014 vẫn chưa thực hiện được”, ông Hùng nhấn mạnh.