Nối một vòng tin yêu

Dạ Yến 06/04/2021 14:00

Bài Thánh ca nào cũng rộn ràng, chan chứa yêu thương như tấm lòng của những người thiện nguyện, những người không phân biệt tôn giáo, dân tộc luôn dang rộng vòng tay để sẻ chia khốn khó, nối một vòng tin yêu.

Trong suốt chuyến hành trình thiện nguyện cùng Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh (người được Đức Giáo hoàng Benedict 16 ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá) và các cộng sự ở Giáo xứ Phong Ý, thuộc thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), chúng tôi được nghe rất nhiều giai điệu Thánh ca và những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước. Bài hát nào cũng rộn ràng, chan chứa yêu thương như tấm lòng của những người thiện nguyện, những người không phân biệt tôn giáo, dân tộc luôn dang rộng vòng tay để sẻ chia khốn khó, nối một vòng tin yêu.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao quà và thăm hỏi bà con nghèo tại thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

1. Giáo xứ Phong Ý những ngày này đang bước vào Mùa Chay để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh thường được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Kitô giáo, diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm để tưởng niệm sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Các tín hữu coi sự hiện diện của Chúa Giêsu như một Thiên Chúa của tình yêu thương thông qua việc ăn chay, cầu nguyện và từ mỗi việc làm bác ái.

Phong Ý có khoảng hơn 4.200 giáo dân với 16 giáo họ, tập trung chủ yếu ở thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Bình, Cẩm Quý... “Đây là mảnh đất của những tình yêu” như Linh mục Giuse Phạm Văn Quế - Linh mục Chính xứ Phong Ý giới thiệu với chúng tôi trong lời mở đầu câu chuyện.

Trước khi về Giáo xứ Phong Ý, linh mục Giuse Phạm Văn Quế đã có 3 năm làm chính xứ ở Giáo xứ Phúc Địa (Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ba năm gắn bó với Giáo xứ Phúc Địa, linh mục Phạm Văn Quế đã góp phần xây dựng nhiều công trình lớn như khu hành hương Lòng Chúa Thương Xót, nhà xứ khang trang, để lại trong lòng giáo dân Phúc Địa tấm chân tình của một người mục tử gần gụi, ân cần.

Tinh thần ấy tiếp tục được linh mục Phạm Văn Quế “thắp lửa” trong rất nhiều công việc, mục vụ tại Giáo xứ Phong Ý như ông giãi bày, “đây là miền đất của nồng ấm, yêu thương, của những con người hiền lành, chất phác, kính trọng vị chủ chăn như người cha trong gia đình. Những ân tình ấy khiến tôi càng phải dấn thân phục vụ nhiều hơn nữa”. Nói rồi ông xòe hai bàn tay của người mục tử, như người cha hiền, cảm thương và đầy lòng trắc ẩn, sẵn sàng ôm lấy đau khổ và niềm vui, cả những âu lo và hy vọng.

Giáo hội Công giáo luôn giữ những nguyên tắc căn bản dựa trên tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người. Kinh Thánh viết rằng: “Ta yêu Chúa vì Chúa yêu ta. Ta yêu người như Chúa yêu ta”. Chính vì vậy, một trong những “tôn chỉ” mà linh mục Phạm Văn Quế luôn cho rằng, tình yêu là động lực thúc đẩy những tín hữu Công giáo như ông sống tốt lành, tử tế với mọi người vì một lẽ mọi người được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.

Yêu thương cũng là lẽ sống của các linh mục ở giáo xứ này. Trong vai trò là một linh mục chính xứ, hẳn nhiên, ông Phạm Văn Quế là người bận trăm công nghìn việc, nhưng điều mà chúng tôi luôn được ngắm nhìn ở ông là một vị chủ chăn có những bài giảng truyền cảm hứng ở trong Thánh đường và lan tỏa sự vui tươi, nhiệt huyết như khi ông làm người dẫn chương trình trong các buổi lễ trao quà, giao lưu với bà con nghèo, cất cao tiếng hát yêu đời, yêu người.

Sự gần gụi, chân tình của linh mục Phạm Văn Quế chính là sợi dây để kết nối những tấm lòng muôn phương tìm về nơi đây. Cứ thế, cùng với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp huyện Cẩm Thủy, lan tỏa từ Thánh đường Giáo xứ Phong Ý một tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc.

Linh mục Phạm Văn Quế.

2. Chia sẻ về những điều này, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã bày tỏ lời tri ân tới Linh mục chính xứ Phạm Văn Quế- người đã đi đúng đường lối của Giáo hội Công giáo, bằng tình yêu của Chúa Kito lan toả trên mảnh đất này.

Đây là lần thứ hai, Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh về thăm Cẩm Thủy. 10 năm trước ông đã góp phần cùng với chính quyền, các vị linh mục tu sĩ vận động, hỗ trợ bà con giáo dân vạn chài lên bờ định cư. “Bước chân tới đâu là lo cho người nghèo tới đó. Chúa cần chúng tôi ở điều đó” như lời Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chia sẻ và lần trở lại này cùng đi với ông là những “cộng sự” đặc biệt, những người đã đồng hành với ông trên con đường thiện nguyện. Cùng đi với đoàn còn có ông Đỗ Văn Phới, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Hàng trăm suất quà đã được trao cho bà con nghèo, người khiếm thị trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Trong đó, ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn hỗ trợ 350 triệu đồng; ông bà Trần Thiện, Tổng Giám đốc Cty Tiếp vận Toàn cầu hỗ trợ 200 triệu đồng và 50 chiếc xe đạp do ông bà Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Cty BĐS Thuận Việt trao gửi cho những em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Cẩm Thủy.

Gần 20 năm đồng hành cùng Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trên hành trình thiện nguyện, ông Đặng Văn Thanh cho rằng, chặng đường mà Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh đã và đang đi qua chính là sứ mệnh của một người công giáo Việt Nam yêu nước. Hành trình đó thức tỉnh những trái tim, hàn gắn những vết thương, kêu gọi mọi người cùng chung tay làm những điều tốt đẹp, tử tế.

Tử tế là mạch nguồn của cuộc sống. Như đến tận lúc này, khi Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh dù đã phải trải qua cơn bạo bệnh thì điều quan trọng hơn, với ông, việc trở thành người loan báo Tin Mừng từ những điều tử tế mới là mục đích của cuộc đời.

Đó là lúc ông bắt nhịp bài hát “Một mẹ trăm con” trong buổi lễ trao quà cho người dân nghèo và khiếm thị của huyện Cẩm Thủy. Dưới mái nhà của Thánh đường Giáo xứ Phong Ý, lời hát của một người công giáo yêu nước vang lên như một lời hiệu triệu, thôi thúc thâm tâm mỗi người, không phân biệt tôn giáo, dù nghèo khó hay dư dả nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau từng gói mì tôm, từng chén mắm, dù làm gì, ở đâu thì “chúng ta là anh em một nhà”.

Tấm chân tình này chính là vì đất nước vì dân tộc cho nên Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh chia sẻ rằng, Giáo hội Công giáo Việt Nam là giáo hội của Chúa nhưng là phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Việt Nam là một dân tộc vững mạnh, khao khát của ông là một dân tộc phát triển. Chính bởi vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi người dân, trong đó có người công giáo phải có trách nhiệm với Tổ quốc và dân tộc.

“Mỗi một ngày trôi qua, chúng tôi đều nguyện: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”. Và tất cả chúng ta đều hiểu rằng, trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, để có được bình an như ngày hôm nay, là sự đồng lòng của Đảng, Nhà nước, chính quyền cho tới mỗi người dân. Niềm vui đó là cơ sở để chúng tôi luôn tin rằng, đất nước này, dân tộc này sẽ phát triển trên nền tảng của tinh thần đoàn kết, hoà hợp”, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh khẳng định.

3. Chúng tôi nhớ mãi buổi hôm ấy, trong không khí ấm áp, chân tình, để nói một lời cảm ơn sau khi nhận những phần quà từ Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và các nhà hảo tâm, ông Cao Văn Sơn, hội viên Hội Khiếm thị huyện Cẩm Thuỷ đã hát bài “Đất nước”.

Giọng hát vang lên đầy cảm xúc, tuy nhiên do quá xúc động, đến quãng tám của bài hát, “ca sĩ” bỗng dừng lại, trong một khoảnh khắc, giọng hát đầy nội lực của linh mục Phạm Văn Quế đã cất lên “Xin hát về người đất nước ơi/ Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi” “dìu” người hát đi đến cuối bài.

Sẽ chẳng có gì để nói thêm, nhưng giây phút một vị linh mục và một người khiếm thị cùng hoà chung trong một bài hát ca ngợi quê hương đất nước mãi là hình ảnh đẹp của tình người, của những tin yêu như lời bài hát “Vẫn còn gian khổ/ Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói/ Ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui…”.

Dạ Yến