Người gốc Á tại Mỹ vẫn bị tấn công
Làn sóng tấn công nhằm vào người gốc Á tại Mỹ vẫn chưa dừng lại bất chấp việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng này. Nguyên nhân của tình trạng trên được các nhà phân tích cho rằng có liên quan nhiều đến sự bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 3/2020.
1. Nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng tấn công nhằm vào người gốc Á tăng đột biến gần đây. Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại Đại học bang California công bố dữ liệu cho thấy tội ác chống người gốc Á ở Mỹ đã tăng 150% trong năm qua.
Mới đây nhất, ngày 4/4, thêm một người đàn ông gốc Á bị kẻ tấn công bất ngờ đấm vào mặt trên đường phố New York, giữa bối cảnh nạn bài Á gia tăng ở Mỹ.
Cảnh sát cho biết, vụ tấn công xảy khi nạn nhân đang đi bộ trên Phố Đông. Kẻ tấn công xuất hiện từ phía sau, bất ngờ đấm vào bên trái mặt của ông và không nói lời nào trước khi bỏ đi.
Theo thông tin thu thập được, kẻ tấn công khoảng 40 tuổi, cao 1m8. Nạn nhân bị suy giảm thị lực sau cú đấm, nhưng từ chối chăm sóc y tế tại hiện trường.
Tuy nhiên, cảnh sát hiện vẫn chưa xác định được nghi phạm. Lực lượng chuyên trách chống tội phạm thù ghét của Sở Cảnh sát New York đang điều tra liệu vụ tấn công có phải là hành vi kỳ thị chủng tộc hay không?
Trước đó không lâu, hôm 30/3, một vụ tấn công khác đã xảy ra tại cửa hàng tiện lợi Plaza Sundries ở trung tâm thành phố Charlotte (cửa hàng tiện lợi của người Mỹ gốc Hàn Quốc ở Bắc Carolina), khi kẻ tấn công kéo đổ một kệ hàng, trước khi dùng tuýp sắt đập phá tủ bảo quản thực phẩm đông lạnh. Mark Sung, thành viên gia đình sở hữu Plaza Sundries, nghi ngờ một khách hàng từng bị cấm đến cửa hàng đã thuê tên này đến đập phá.
Vụ tấn công gây thiệt hại hơn 9.000 USD. Nghi phạm Xavier Rashee Woody-Silas, 24 tuổi, hiện phải đối mặt với nhiều tội danh, gồm cướp tài sản bằng hung khí, đe dọa và gây mất trật tự công cộng.
Sung cho biết, gia đình anh từng bị nhắm mục tiêu chỉ vì là người Mỹ gốc Á. Vụ tấn công cũng khiến mẹ anh rất buồn. Anh Sung chia sẻ: “Chúng tôi rất dễ bị mọi người tấn công chỉ vì là cộng đồng thiểu số. Tôi luôn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngày càng tăng, nên chẳng có gì mới”.
Đây chỉ là 2 trong số những vụ hành hung mới nhất trong loạt vụ tấn công vô cớ nhằm vào người gốc Á tại New York. Tuần trước, một phụ nữ gốc Á 65 tuổi bị hành hung trước sự chứng kiến của nhiều người và nghi phạm là kẻ từng được ân xá sau khi sát hại mẹ ruột.
Những người dân New York khác cũng trở thành nạn nhân trong các cuộc tấn công vô cớ gần đây. Một người đàn ông 73 tuổi đã bị đánh ngất xỉu ở Midtown cuối tuần trước.
2. Kết quả một cuộc điều tra do tờ New York Times tiến hành về nạn gia tăng thù hận chống người châu Á tại Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho thấy có hơn 110 vụ việc chống lại người gốc Á đã được báo cáo tại quốc gia này kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, tờ báo lưu ý rằng số liệu kể trên chỉ là những thông tin được báo chí công bố và “có bằng chứng rõ ràng về sự căm ghét vì lý do chủng tộc,” đồng nghĩa với việc có thể còn nhiều vụ việc hơn thế trên thực tế.
Dựa trên kết quả điều tra, tờ báo nhận định “sự thù ghét như một động cơ là điều khó chứng minh về mặt lịch sử” đồng thời cho rằng kết quả thống kê có thể chỉ là một phần nhỏ của tình hình bạo lực và quấy rối mà những người gốc châu Á phải đối mặt trong năm qua, vì vấn đề thù hận thường được thống kê và báo cáo không đầy đủ và chỉ những vụ việc nghiêm trọng nhất mới thu hút sự chú ý.
Ngoài ra, cũng có thể do số lượng các báo cáo cho các cơ quan thực thi pháp luật và các phương tiện truyền thông về vấn đề này đã tăng lên.
Tội phạm thù hận được báo cáo với cảnh sát đã tăng đột biến trong thời gian qua, không chỉ tại các thành phố lớn như New York, Los Angeles, Seattle, Boston, San Jose và Dallas, mà còn ở các vùng khác của nước Mỹ, bao gồm cả các thị trấn nhỏ hơn.
Các cuộc tấn công bằng lời nói và thể chất cũng như hành vi phá hoại đã tăng đột biến trong tháng trước, vượt qua mức tăng vào tháng 3/2020.
Vụ việc đầu tiên được báo cáo ở thành phố Chicago vào ngày 21/3, sau khi hai phụ nữ ném một khúc gỗ và nhổ nước bọt vào một người đàn ông Mỹ gốc Hoa 60 tuổi, cáo buộc người này bị bệnh và bảo ông ta “quay trở lại Trung Quốc”.
Gần đây nhất là vụ phá hoại tại một nhà thờ ở Seattle, nơi có những bức vẽ graffiti với lời lẽ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Trung Quốc.
Phản ứng trước các vụ việc trên, hoạt động quyên góp dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương đã tăng lên trong năm 2020, nhưng các tổ chức và nhóm cộng đồng cảnh báo rằng sự ủng hộ này có thể sẽ không bền vững.
Hơn thế nữa, các vụ bạo lực liên tiếp dường như đã làm trầm trọng hơn khủng hoảng sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, những người vốn đã phải chịu nhiều đau thương từ đại dịch Covid-19 và các vụ bạo lực bài Á.
Những lo ngại lâu nay về sức khỏe tâm lý của cộng đồng người Mỹ gốc Á là trầm cảm, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, lo âu, cùng định kiến đối với các bệnh về tâm lý.
Ngày 31/3 vừa qua, Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc cùng với Đại sứ các nước ASEAN tại Mỹ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Hội đồng An ninh quốc gia, lên án các hành động kỳ thị, phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Thư cũng đề nghị chính quyền sở tại tiếp tục các biện pháp xử lý vấn đề kỳ thị người gốc Á, trong đó có bảo đảm an ninh, quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam đã gửi thư đến các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đề nghị có tiếng nói hỗ trợ chấm dứt tình trạng kỳ thị công dân và người gốc Việt tại Mỹ.