Tín dụng bất động sản nóng cùng sốt đất
Tín dụng bất động sản là lĩnh vực được quản lý chặt chẽ. Vì rằng việc dịch chuyển dòng vốn từ ngân hàng sang bất động sản hay bất cứ kênh nào khác là vấn đề cần phải theo dõi. Khi cơn sốt bất động sản đang tăng nhiệt cũng rất cần cảnh báo các tổ chức tín dụng về độ rủi ro.
Giá bất động sản tăng cao nhất trong 10 năm qua
Báo cáo Nghiên cứu thị trường quý I-2021 của batdongsan.vn công bố vào sáng ngày 6/4 có rất nhiều thông tin đáng chú ý về hiện trạng sốt đất.
Nếu như năm 2020, số người mua nhà mang tâm lý phòng thủ, e ngại dịch bệnh thì khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng kiến lực cầu BĐS tăng mạnh mẽ, người mua hào hứng quay lại thị trường. Đến tháng 3/2021, chỉ số mức độ quan tâm bất động sản (BĐS) tăng cao nhất trong lịch sử hơn 10 năm qua.
Quý I-2021, thị trường BĐS “ấm” dần lên khắp cả nước. Ở khu vực phía Bắc, lượng quan tâm của người tìm kiếm BĐS tăng mạnh đối với loại hình đất nền tại các tỉnh thành trong bán kính 50km từ Hà Nội. Đó là Thái Nguyên với chỉ số quan tâm tăng 50%, Bắc Giang tăng 37%, Hòa Bình tăng 35%, Ba Vì tăng 33%, Quốc Oai tăng 32%, Bắc Ninh tăng 28%, Hải Dương tăng 19% trong quý 1/2021 so với quý 4/2020.
Chỉ số giá một số khu vực miền Bắc cũng gia tăng. Cụ thể, Hòa Bình tăng 102%, Ba Vì tăng 76%, Hưng Yên tăng 26%, Quốc Oai tăng 20%, Thái Nguyên tăng 15%.
Sức nóng của bất động sản tăng buộc 4 Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính và các tỉnh đã vào cuộc thế nhưng, giá bất động sản vẫn đang là chủ đề nóng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Quản lý và Đầu tư BĐS Thái Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân tăng giá đất, trước tiên phải nói đến hiệu ứng lan toả, dây chuyền, đó là khi BĐS ở TP HCM tăng thì Hà Nội cũng có xu hướng tăng và ngược lại.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư vào sản xuất, du lịch, bán lẻ... Đặc biệt, đất nền với tâm lý của người Việt “người sinh ra chứ đất không sinh ra”, là một kênh trú ẩn an toàn nay có thể xuống giá nhưng ngày mai lại tăng.
Thứ ba, do lãi suất ngân hàng giảm khiến BĐS trở thành một kênh đầu tư cạnh tranh hơn so với việc gửi tiền vào ngân hàng trong ngắn hạn. Đáng chú ý, theo nhìn nhận một dòng tiền đang được đổ vào thị trường BĐS.
Dư nợ tín dụng tăng 2,13%
Đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng 2,13%, tín dụng toàn ngành tăng 2,4% so với hồi cuối năm 2020. Tín dụng bất động sản đang tăng nhanh hơn so với tín dụng toàn nền kinh tế nói chung. Được biết 1 vài tổ chức tín dụng đang cho vay nhiều ở các lĩnh vực liên quan đến nhà đất. Chưa kể đang có hàng chục ngân hàng chạy đua triển khai các gói cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua BĐS với lãi suất khá hấp dẫn, dao động từ khoảng 4,99 - 10%/năm.
Thông tin về tình hình tín dụng vào bất động sản, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng thời gian gần đây, bất động sản khá nóng và giá cả có chiều hướng tăng lên ở một số địa phương. Nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng một số đối tượng cơ hội tung thông tin không chính xác dựa vào công tác điều hành giá cả, thuế đất, quy hoạch để kiếm chênh lệch, lợi nhuận đầu tư.
“Thời gian gần đây, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng là 2,04%. So với năm ngoái thì tín dụng đang tích cực, tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng cho nền kinh tế nói chung - ông Tú thông tin - Chỉ một vài tổ chức tín dụng cho vay nhanh hơn so với mức bình thường trước đây”.
“Theo đó, đối tượng kinh doanh bất động sản gồm đầu cơ bất động sản, phân khúc thị trường cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và đầu tư, khả năng thanh khoản và hiệu quả trong tương lai không cao là đối tượng mà chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, có chế tài trực tiếp và gián tiếp.
Lĩnh vực tín dụng đầu tư giúp thanh khoản sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bất động sản, như nhà ở cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ, phục vụ tiêu dùng xây dựng vẫn được giao cho ngân hàng thương mại triển khai” - ông Đào Minh Tú khẳng định.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, hiện nay có nhiều dòng tiền đổ vào kênh BĐS. Cụ thể TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dòng tiền không chỉ dịch chuyển một phần từ lợi nhuận chứng khoán sang, từ rút tiết kiệm trực tiếp đưa vào, tiền đổ vào BĐS còn thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS và mở tín dụng của các nhà băng.
Cụ thể, thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, trong số các nhà đầu tư tiêu thụ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, SSI Research cho biết 14 ngân hàng thương mại mà công ty này theo dõi (chiếm 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống trừ Agribank) có số dư lớn nhất, khoảng 185.000 tỷ đồng đến cuối năm 2020, tăng 47% so với cuối năm liền trước.
Đáng chú ý, do “khát vốn”, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn về BĐS liên tiếp tung ra mức lãi suất trái phiếu cao lên tới trên 10%/năm. Cụ thể như Tập đoàn Novaland, HUD đưa ra mức 10,5%/năm; Sunshine Group đưa ra mức 11%/năm, Cty Phát Đạt đưa ra mức 14%/năm…
Hiện trạng bất động sản năm 2021 cho thấy, nhiều người rút tiền tiết kiệm đi buôn đất. Chưa kể khi lãi suất cho vay đang thấp nên nhiều người vay để đầu tư chứng khoán, BĐS..., điều này dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” BĐS. Chưa kể, về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất. Do vậy khi tín dụng BĐS tăng có sự đột biến không thể chủ quan.
Theo giới chuyên gia việc đẩy vốn vào BĐS phải có sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay, vì rủi ro đối với lĩnh vực này luôn tiềm ẩn lớn. Các ngân hàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế và chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ để lường trước những rủi ro trong việc cho vay bất động sản.