Bất ổn mỹ phẩm rao bán trên mạng
Mua bán online đã trở nên quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm làm đẹp, đặc biệt là hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng trăm loại “kem trộn” được rao bán tràn lan, có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng.
Báo động
Ngày 3/4, trên Facebook xuất hiện thông tin chia sẻ về loại dầu gội, dầu xả ghi xuất xứ Ý được bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều lạ ngày sản xuất của sản phẩm rất sát với ngày khách hàng mua được ở đây.
Cụ thể, chị P.L. ở Hà Nội, mua một cặp dầu gội xả được quảng cáo xuất xứ tại Ý, dung tích mỗi chai 750ml có giá là 310.000đ/cặp, nếu mua 3 lọ (số lượng dầu gội, xả tuỳ ý) có giá 450.000đ/cặp. Sau khi nhận được cặp dầu gội xả trên, khách hàng kiểm tra về ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm.
Cụ thể, chị P.L. đặt mua sản phẩm vào ngày 2/4/2021, tuy nhiên, ngày sản xuất ghi trên sản phẩm là 25/3/2021. So với ngày mua, ngày sản xuất chỉ chênh 8 ngày. Như vậy, cặp dầu gội này được mua tại châu Âu và vận chuyển từ Ý về Việt Nam chỉ trong hơn 1 tuần. Thêm nữa, so sánh về giá, nếu vận chuyển 1 sản phẩm có dung tích 750ml/chai từ Ý về Việt Nam thì phí khá cao, khó có thể bán ra thị trường với giá hơn 300.000 đồng/cặp.
Kiểm tra thêm một số thông tin trên bao bì sản phẩm, chị P.L. chia sẻ, thông tin hướng dẫn sử dụng viết bằng tiếng Anh có một số lỗi chính tả, câu văn bằng tiếng Anh có phần lủng củng, dường như được dịch theo kiểu “word by word” từ tiếng Việt sang.
Sau khi chị P.L. đăng tải thông tin này, nhiều người vào phản hồi việc người bán sản phẩm này khá lâu, số lượng người mua nhiều bởi người bán là có “uy tín” trên mạng xã hội. Nhưng giống như chị P.L., họ nhận được sản phẩm chỉ cách ngày sản xuất không quá xa.
Ngoài hàng ngoại “xách tay”, nhiều sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được rao bán trên mạng. Qua khảo sát trên mạng xã hội, có một số tài khoản công khai đăng tải các loại kem bôi mặt, kem bôi toàn thân, dầu gội, dầu xả … với giá siêu rẻ, nguồn gốc do “tự sản xuất, tự bào chế”.
Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm trên mạng xã hội với cụm từ “gia công mỹ phẩm”, “kem trộn”,… rất nhiều bài viết quảng cáo về các sản phẩm này hiện lên. Các bài viết kèm hình ảnh, video clip rất sinh động và luôn cam kết sản phẩm an toàn về chất lượng. Trong vai một người muốn mua số lượng lớn kem bôi mặt và tẩy da chết toàn thân về bán, phóng viên nhận được bảng báo giá về các sản phẩm này với mức rẻ bất ngờ. Thậm chí, việc đóng và thiết kết bao bì cũng được lựa chọn theo nhu cầu của người mua. Người bán sẽ thực hiện đúng các mẫu đưa ra.
Ảnh hưởng sức khoẻ
Việc sử dụng các sản phẩm hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng. Đối với các loại dầu gội, dầu xả hay ủ dưỡng tóc, nếu hàng kém chất lượng, sau nhiều lần sử dụng có thể gây tình trạng ngứa, gàu hoặc rụng tóc, hỏng tóc. Thậm chí, ở mức độ nặng hơn, có thể gây nấm đầu, làm tổn thương da đầu. Đối với các loại kem bôi mặt hoặc toàn thân thì tổn thương đối với da là rất nặng.
Theo chị Vương Song Bình (chủ của một spa ở đường Trần Đại Nghĩa, Hà Nội), kem trộn là loại kem tự chế với các thành phần chính: vitamin E, Becozym, Cortibion, Aspirin… và đặc biệt là corticoid. Corticoid là chất ức chế miễn dịch của da, khiến da ngậm nước mạnh, da sẽ trắng mịn và căng mọng rất nhanh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi thoa.
Qua tìm hiểu được biết, kem trộn có tác hại gây bào mỏng da. Cụ thể, theo một chuyên gia, bình thường da của con người có độ dày nhất định. Nhưng khi sử dụng kem trộn chứa corticoid quá nhiều, thì sẽ khiến lớp da bị mỏng đi, mất khả năng chống lại những xâm nhập từ môi trường như khói, bụi, tia UV… Bên cạnh đó, kem trộn còn gây “nghiện” cho da. Nếu ngừng sử dụng, da của chúng ta sẽ phản ứng dữ dội và “xuống cấp”. Nhưng nếu tiếp tục sử dụng da sẽ hoàn toàn mất khả năng đề kháng.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 điều này. Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã có Điều 192 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả.