Bán lẻ nội nỗ lực số hóa
Năm 2020, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD. Tới nay, TMĐT đã là xu hướng tất yếu, cũngy là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Tuy nhiên, các DN bán lẻ trong nước cần phải có những đột phá mới có thể cạnh tranh được với các “ông lớn” bán lẻ ngoại. Theo thống kê của Vietnam Internet Statistic 2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng mạng xã hội và đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Đó là lý do để hơn bao giờ hết, các DN bán lẻ, bán hàng trực tuyến (online) hoặc DN kinh doanh truyền thống tại Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển chuyên sâu mô hình và phương thức kinh doanh online.
Với sự tiếp cận công nghệ 4.0, DN bán lẻ nội đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, không phải DN bán lẻ nào cũng nhanh chóng chớp thời cơ của nền kinh tế số, tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 một cách kịp thời. Thực tế, nhiều DN trong nước vẫn còn đang e dè với xu hướng số hóa.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), câu chuyện để các DN bán lẻ muốn kinh doanh trực tuyến không chỉ đơn giản là xây dựng một website hay phát triển một ứng dụng.
Nếu chỉ xây dựng một website TMĐT để bán hàng tốt thì cách đây 10 – 15 năm sẽ rất đơn giản, nhưng thời đại ngày nay, công cụ bán hàng cần gắn kết nhiều thứ với nhau như tương thích với nền tảng di động, giải pháp thanh toán, hỗ trợ vận chuyển… nên phải coi kinh doanh trực tuyến là một hệ sinh thái thì mới có thể bán được hàng.