Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Doanh nghiệp vẫn mơ hồ
Theo khảo sát của VCCI, 3/4 số DN Việt Nam cho rằng, CPTPP chưa có tác động rõ rệt đến DN. Lý do nhiều DN không biết CPTPP có lợi ích gì để tận dụng.
Yếu kém về năng lực cạnh tranh chính là rào cản doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đó là nhận định của giới chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam – đánh giá góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp không biết CPTPP có lợi ích gì?
Báo cáo của VCCI cho hay, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, nhập khẩu tăng rất nhẹ (0,7%), CPTPP tạo ra những tác động ban đầu tích cực, đặc biệt là thị trường mới. Song nhiều DN cho rằng, tác động của Hiệp định đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN không nhiều. Theo khảo sát của VCCI, 3/4 số DN Việt Nam cho rằng, CPTPP chưa có tác động rõ rệt đến DN. Lý do nhiều DN không biết CPTPP có lợi ích gì để tận dụng.
Tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, nhiều DN đánh giá rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính DN so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP và các hiệp định trong tương lai.
Tiếp theo đó là các biến động và bất định của thị trường. Một rào cản nữa liên quan tới yếu tố từ góc độ các cơ quan nhà nước, như: Thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi Hiệp định CPTPP và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước... Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho doanh nghiệp...
Đánh giá tác động của CPTPP đến cộng đồng DN Việt 2 năm qua, TS. Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, những DN đánh giá CPTPP có tác động tích cực chủ yếu vẫn đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (VCCI), còn khu vực DN trong nước chưa thực sự chú trọng tìm hiểu thông tin về những lợi ích có được từ Hiệp định này.
“69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này. Con số này cho thấy, các DN chưa tìm hiểu sâu các thông tin về hiệp định” – bà Trang nhận định đồng thời nêu quan điểm, với một FTA khó và phức tạp như Hiệp định CPTPP thì cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho DN trong thời gian tới.
Tận dụng ưu đãi từ CPTPP
Để có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội mà CPTPP mang lại, ông Phan Hữu Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho cho rằng, DN khi tham gia Hiệp định ngoài những thuận lợi mang lại, cần chuẩn bị và đi theo các quy định chung, quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt, chủ động tìm hiểu các thông tin về thị trường và các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Từ đó, có sự chuẩn bị về tổ chức sản xuất, n âng cao năng lực để không bị sụt giảm về sản lượng và chất lượng.
Còn theo quan điểm của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, câu chuyện về nâng sức cạnh tranh của DN vẫn là vấn đề chính yếu để có thể giúp DN nắm bắt các cơ hội đến từ CPTPP.
“Và như vậy, DN cần chủ động hơn tìm hiểu cơ hội, cam kết Hiệp định CPTPP và hành động hiện thực hóa lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh mà bắt đầu tư năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên mà còn là chìa khóa để doanh nghiệp chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập” – ông Lộc nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI Nguyễn Cẩm Trang cũng nêu lên thực trạng: “Trên trang web của chúng tôi có rất nhiều thông tin về Hiệp định CPTPP, các giải đáp nếu DN cần đều có, chia sẻ miễn phí, nhưng thực tế, số DN chủ động tìm đến vẫn rất thấp. DN vẫn đang khá thờ ơ với các tác động của Hiệp định CPTPP và các FTA”.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, ở các sản phẩm nông sản, chúng ta đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì còn sản xuất nhỏ lẻ, nên khó khăn trong cải thiện một cách đồng bộ.
Tại Hội thảo, hầu hết ý kiến cho rằng, gia nhập Hiệp định CPTPP ngoài việc giúp DN tăng xuất khẩu còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh buộc DN phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình.
Để tiếp tục tận dụng tốt hơn Hiệp định này thời gian tới, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
60% DN cho rằng, CPTPP và các FTA có tác dụng tương đối hoặc rất hữu ích, 10% DN cho rằng CPTPP và các FTA hầu như không có ý nghĩa gì, 29% DN không chắc chắn về chuyện CPTPP hay các FTA có thể có tác động gì, tiêu cực hay tích cực.