Quyền lợi của người học

Lam Nhi 08/04/2021 07:30

Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo chính thức không đăng ký thực hiện thí điểm theo chương trình Ngoại ngữ 1 với các môn tiếng Hàn và tiếng Đức.

Lý do là vì qua thời gian thực hiện thí điểm dạy Ngoại ngữ 2 các môn tiếng Hàn và tiếng Đức, thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu đội ngũ giáo viên cho các môn này.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh thành khác bởi trong việc dạy học nói chung và dạy ngoại ngữ nói riêng, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn vẫn luôn là câu hỏi trăn trở với nhiều địa phương. Ngay tại TP HCM là một trong những địa phương đầu tư từ rất sớm cho việc học ngoại ngữ và luôn có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước thì giáo viên cũng là một bài toán nan giải. Chủ trương của TP là tạo điều kiện thu hút giáo viên ngoại ngữ vào các cơ sở giáo dục công lập nhưng dù mở cửa biên chế, nhiều cử nhân sư phạm ngoại ngữ vẫn không mặn mà. Thậm chí, có những trường hợp giáo viên thi đỗ kỳ thi tuyển dụng công chức, đi làm được một thời gian lại xin nghỉ.

Tại Hà Nội, một số trường đang thí điểm dạy tiếng Đức là ngoại ngữ 1 như các Trường THCS Đống Đa và Trưng Vương. Tới cấp THPT là các Trường THPT Việt Đức và Kim Liên. Với tiếng Hàn, mới chỉ có duy nhất Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội giảng dạy. Như vậy, nếu triển khai thí điểm theo chương trình Ngoại ngữ 1 với các môn tiếng Hàn và tiếng Đức thì “đầu ra” hay vấn đề học liên thông, nối tiếp cho các HS này ở các cấp học sau đó cũng cần được đặt ra. Bởi nếu như khi lên ĐH, cơ hội học tiếp các môn học này hoặc sử dụng kết quả các môn này vào để xét tuyển vào ĐH cũng đang là một vấn đề bởi nhiều trường chưa có các tổ hợp có môn này.

Ngay cả những trường chuyên về ngoại ngữ, như Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội)... khi tuyển sinh các chuyên ngành tiếng Đức, tiếng Hàn… cũng có tuyển thêm cả bằng tổ hợp D01 - có tiếng Anh với lý giải để tạo thuận lợi cho mọi người học ở khắp các vùng miền. Cánh cửa này mở ra nhưng cơ hội cạnh tranh là rất lớn nên nếu không tiếp tục ở bậc học cao hơn, việc học ngoại ngữ này của các em có bị mai một? Nhất là nếu không theo con đường học chuyên sâu về ngoại ngữ sau này, khi rẽ nhánh sang các trường khối kinh tế hay kỹ thuật… trong khi nhà trường chưa có ngoại ngữ này thì liệu có là một sự lãng phí? Bởi lúc đó các em lại quay lại học Tiếng Anh giống với các bạn khác sẽ là một sự bắt đầu từ đầu.

Vì vậy, chủ trương đã có song khi triển khai, các địa phương cần có sự nghiên cứu, cân nhắc phù hợp để tạo thuận lợi nhất cho người học.

Lam Nhi