Vaccine AstraZeneca: Lợi ích lớn hơn rủi ro
Vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca đã trải qua nhiều sóng gió sau khi xuất hiện một số ca bệnh có tác dụng phụ là chứng đông máu (huyết khối). Dù đã xuất hiện thông tin bất lợi đối với loại vaccine này nhưng nhìn chung châu Âu, Anh và nhiều nước khác trên thế giới vẫn cho rằng AstraZeneca mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Phản ứng phụ hiếm gặp
Tối 7/4 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã công bố đánh giá mới nhất liên quan đến vaccine của AstraZeneca, trong đó khẳng định vaccine này mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Ủy ban đánh giá dược phẩm - đơn vị trực thuộc EMA, bà Sabine Straus, cho biết cơ quan này đã phát hiện mối liên hệ giữa vaccine của AstraZeneca với hiện tượng xuất hiện huyết khối ở một số trường hợp tiêm chủng loại vaccine này.
Khẳng định này có thể coi là một thông tin bất lợi đối với chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 hiện đang được tiến hành tại châu Âu, Anh cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới bởi với ưu thế giá thành rẻ, điều kiện vận chuyển và bảo quản đơn giản, vaccine của Hãng dược AstraZeneca đang là loại vaccine được sử dụng nhiều nhất tại châu Âu, Anh cũng như nhiều quốc gia được phân phối vaccine theo chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tuy nhiên, EMA khẳng định đây là phản ứng phụ hiếm gặp của vaccine này, chủ yếu xuất hiện với các bệnh nhân là nữ giới dưới 60 tuổi và thời điểm xuất hiện triệu chứng này là khoảng 2 tuần sau khi tiêm. Theo bà Straus, thông tin hướng dẫn sử dụng vaccine của AstraZeneca về những phản ứng phụ có thể gặp phải cần bổ sung hiện tượng xuất hiện huyết khối này.
Ngoài ra, về tổng thể, EMA đánh giá lợi ích mà vaccine AstraZeneca mang lại vẫn lớn hơn so với rủi ro của loại vaccine này. Vì thế, Cơ quan dược phẩm châu Âu khuyến cáo các nước vẫn tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca.
Về phần mình, Giám đốc của EMA Emer Cooke tái khẳng định, không có bằng chứng cho thấy tuổi tác và giới là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây phản ứng phụ khi sử dụng vaccine của AstraZeneca, vì hiện tượng hình thành huyết khối hiếm gặp xuất hiện ở bệnh nhân ở mọi độ tuổi.
Bà Cooke cho rằng cách giải thích có vẻ hợp lý nhất là huyết khối có thể xuất hiện do phản ứng của hệ miễn dịch. Bà Cooke khẳng định, EMA sẽ tiếp tục tìm hiểu các bằng chứng khoa học và đưa ra những khuyến cáo bổ sung cần thiết.
Cùng lúc, cơ quan dược phẩm Anh đã công bố báo cáo về vaccine AstraZeneca, trong đó cũng khẳng định hiện tượng xuất hiện huyết khối hiếm gặp trong não chỉ là phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine này, và phản ứng phụ này cũng xuất hiện rất ít.
Lãnh đạo cơ quan trên June Raine cũng nhấn mạnh, bất cứ vaccine hiệu quả nào cũng không tránh khỏi có những tác dụng phụ, và trong trường hợp của vaccine AstraZeneca thì lợi ích từ vaccine này đối với đa số mọi người lớn hơn nhiều so với các nguy cơ.
Dù vậy, các nước EU đang khuyến nghị các giới hạn độ tuổi khác nhau với vaccine AstraZeneca, mặc dù đây không phải khuyến nghị của EMA vì chưa có đủ dữ liệu.
Theo đó, Đức chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca cho người trên 60 tuổi và các nhóm ưu tiên cao. Ủy ban vaccine của nước này khuyến nghị những người dưới 60 tuổi đã tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên nên tiêm loại khác cho liều thứ hai. Italy và Tây Ban Nha khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca cho người trên 60 tuổi. Pháp và Bỉ chỉ tiêm vaccine cho người từ 55 tuổi trở lên.
Sự tin tưởng
Các nhà quản lý y tế Mexico và Brazil ngày 7/4 cho biết, nước này sẽ không hạn chế vaccine AstraZeneca mặc dù Ủy ban Cố vấn vaccine của Anh khuyến nghị không nên sử dụng vaccine này cho người dưới 30 tuổi do lo ngại đông máu.
Cơ quan quản lý thuốc của Mexico cho biết, sẽ không giới hạn vaccine này đối với bất kỳ lứa tuổi nào mặc dù sẽ tiếp tục tìm hiểu về thông tin loại vaccine này có thể dẫn tới đông máu.
Trong khi đó, cơ quan quản lý y tế của Brazil khuyến nghị tiếp tục sử dụng loại vaccine này do có nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Brazil đã thực hiện hơn 4 triệu liều vaccine loại này và đã ghi nhận 47 trường hợp bị đông máu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế nước này cho biết, vẫn chưa thể xác định liệu hiện tượng máu đông có liên quan tới vaccine hay không.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới sáng 8/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, nước này hiện không có kế hoạch thay đổi việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Hãng AstraZeneca, sau kết luận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.
Cùng với đó, cơ quan chức năng Australia cũng đã yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp về những phát hiện này, nhưng vẫn khẳng định liều lượng của vaccine này là an toàn và hiệu quả đối với hầu hết mọi người.
Tại Đông Nam Á, Bộ trưởng Y tế Indonesia, Gunadi Sadikin ngày 7/4 cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Indonesia bắt đầu từ đầu năm nay. Tính đến ngày 6/4/2021, Indonesia đã tiêm chủng cho 13,4 triệu người.
Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người mỗi tháng, nghĩa là mỗi ngày tiêm chủng cho 500.000 người.
Bộ trưởng Budi cũng cho biết tốc độ tiêm chủng vẫn được duy trì cho đến nay, tuy nhiên, dự kiến trong tháng 4 sẽ gặp nhiều trở ngại do thiếu nguồn cung đối với một loại vaccine, đó là vaccine AstraZeneca thông qua cơ sở COVAX.
Hiện nay, Indonesia hiện có 3 loại vaccine Covid-19 là Sinovac, Covovax và AstraZeneca. Bên cạnh triển khai tiêm chủng, Chính phủ Indonesia thực hiện chính sách giới hạn hoạt động xã hội tầm vi mô để kiểm soát đại dịch toàn cầu. Cùng với đó, Timor Leste đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 từ ngày 8/4.
Ngay trong sáng cùng ngày, Thủ tướng Timor Leste, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội, Đại diện WHO, Điều phối viên Thường trú LHQ, Đại diện UNICEF ở Timor Leste và các thành viên khác của Chính phủ là những người nhận được những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên.
Timor Leste mới nhận được 24.000 liều vaccine AstraZeneca thông qua cơ sở COVAX. Thủ tướng Matan Ruak cho biết, LHQ cung cấp vaccine cho Timor Leste thông qua cơ sở COVAX đủ cho 20% dân số và Chính phủ sẽ phải nỗ lực để có được 80% số vaccine còn lại. Timor-Leste đã phân bổ 35 triệu USD trong ngân sách sửa đổi để mua sắm vaccine AstraZeneca và 1,5 triệu USD để vận chuyển vaccine này.
Ngày 8/4, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày nếu nơi đó có ca mắc mới Covid-19. Biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày 8/4 nhằm ngăn chặn dịch lây lan thêm sau khi xảy ra một đợt bùng phát mới liên quan đến các địa điểm giải trí như quán rượu, quán bar và quán karaoke.