Công nghiệp vật liệu mở ra cơ hội bứt phá cho nền kinh tế tự chủ
Đây là nội dung định hướng được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) và Đại học Quốc gia TP HCM thảo luận tại hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào sáng mai 10/4 tại TP HCM.
Hội thảo khoa học dự kiến có sự tham dự và phát biểu của các ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP HCM và ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM.
Đây là hội thảo khoa học lần đầu tiên trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức để tổng hợp ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022 để ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong giai đoạn tới.
Theo Ban Tổ chức, yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng đang đặt ra nhiều cơ hội cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bối cảnh trên càng đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu mà trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu.
Tại hội thảo, gần 400 đại biểu là lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề xung quanh việc “cất cánh” ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới. Trong đó, một số bài tham luận và báo cáo với chủ đề “Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp vật liệu” (ĐHQG TP HCM); Báo cáo “Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp vật liệu giai đoạn 2010-2020, đề xuất cho giai đoạn 2021-2030” của Bộ KH-CN; Báo cáo “Khoa học và công nghệ vật liệu phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030” của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và báo cáo “Kinh nghiệm của Nhật Bản về tăng cường phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu” của TSKH. Kon Yohichi (Nhật Bản). Ngoài ra, tham gia phần trao đổi, thảo luận còn có 12 chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.
Hiện nay, phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một quốc gia đang trong giai đoạn CNH-HĐH như nước ta. Từ năm 2001, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ, trong đó luôn có một chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu ứng dụng vật liệu luôn được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình KH-CN quốc gia khác.
Mặc dù vậy, để phát triển ngành này cho đến nay rất cần có cơ chế để phát triển và phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học ở các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội dù ngày càng tăng cao, nhưng năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu ở nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công thương, đơn cử trong một số lĩnh vực của công nghiệp vật liệu như vật liệu gang chế tạo ở nước ta hiện chỉ đạt 30%; nguyên liệu cho ngành dệt may chúng ta phải nhập khẩu gần 90% với vải và 80% với sợi;…”. Chính từ thực tế nêu trên, việc phát triển ngành công nghiệp vật liệu đang đặt ra đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH đất nước.