Không được lưu ban
Câu chuyện “đếm sơ” ở Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã có 6 học sinh lớp 6 chưa thuộc hết mặt chữ, chưa đọc thông viết thạo khiến xã hội phải giật mình. Làm sao có thể không kinh ngạc khi mà các em đã “leo” lên đến tận lớp 6, tức là lớp đầu cấp của THCS mà khi đọc còn phải đánh vần u ơ.
Lâu nay, ai cũng biết là trong ngành giáo dục có nhiều địa phương chạy theo bệnh thành tích, chất lượng giáo dục thấp, nếu như không muốn nói là rất kém. Chỉ có điều người ta ngại nói ra, bởi có nói ra cũng chẳng để làm gì. Song, đến mức học sinh lớp 6 còn chưa thuộc hết mặt chữ, chưa biết đánh vần thì đúng là “chuyện xưa nay hiếm”.
Trả lời các nhà báo, một trong những học sinh lớp 6 của Trường THCS-THPT Tân Mỹ nói rằng em không hiểu vì sao mình lại được các thầy cô cho lên lớp. Em không hiểu là đúng rồi, đến tôi và nhiều người khác cũng chẳng thể hiểu nổi vì sao em không thuộc mặt chữ, chưa biết đánh vần mà lại có thể lên đến tận lớp 6 cơ đấy.
Tôi vẫn nghe mọi người nói học sinh bây giờ không được phép lưu ban (học đúp), bởi như vậy sẽ ảnh hưởng tới thành tích “dạy tốt, học tốt” của nhà trường. Vốn tưởng đó là chuyện đùa nên không tin, nhưng giờ lòi ra những trường hợp đến lớp 6 mà còn chưa đọc thông viết thạo thì làm sao tôi có thể nghi ngờ luồng dư luận trên nữa đây?
Còn nhớ thời những thế hệ 6x, 7x như chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chuyện lưu ban là bình thường, bởi học đúp không chỉ là căn cứ vào năng lực tiếp thu kiến thức của học sinh, mà còn dựa vào đánh giá cả về hạnh kiểm (hành vi, lời nói). Vậy nên, cuối năm mà được công bố lên lớp đã là niềm hạnh phúc của hầu hết học sinh.
Thời đó, trong một lớp có đến 40-45 học sinh thì học sinh giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay, số học sinh tiên tiến cũng chỉ chiếm đến 1/3, cùng lắm là một nửa, còn lại là học sinh trung bình và yếu, thậm chí là kém. Giờ thì hầu hết cả lớp đều tiên tiến, số học sinh giỏi chiếm đến một nửa, thậm chí là 2/3 tổng sĩ số học sinh của lớp.
Có rất nhiều người ở thế hệ 6x, 7x, thời trước chỉ đạt học lực trung bình mà sau này vẫn “thành nhân”, theo đúng cả hai nghĩa về năng lực kiến thức và hạnh kiểm. Vậy mà giờ có những em học sinh đạt học lực giỏi nhưng rồi thi tốt nghiệp THPT còn trượt chứ đừng nói đến thi đại học. Chẳng phải có không ít “học sinh giỏi” đã được phụ huynh chi tiền để gian lận điểm trong các kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển địa học đó sao?
Đưa ra so sánh như vậy để thấy rằng, cái sự “giỏi”, “khá” hay “trung bình” phải là thực chất mới quyết định được chất lượng học sinh. Nếu mỗi trường THPT có tới trên 90% học sinh khá và giỏi, trong khi đỗ đại học không bao nhiêu thì chất lượng đào tạo như thế nào chẳng cần nói ai cũng hiểu. Ai cũng biết, ai cũng hiểu vậy mà bao năm qua vẫn vậy, không thay đổi được điều đó thì đúng là rất lạ, rất bất thường.
Điều nguy hiểm là điều bất thường lâu dần đã được người ta quen đi và lại trở thành chuyện bình thường. Ngay cả đến lãnh đạo ngành giáo dục cũng biết chất lượng đào tạo của nhiều trường là rất không ổn, chỉ chạy theo thành tích mà chưa thực sự quan tâm đến trình độ của học sinh, nhưng trong suốt nhiều năm qua loay hoay mãi cũng chưa đưa ra được bất cứ giải pháp thiết thực nào để giải quyết triệt để vấn đề này.
Bệnh thành tích trong ngành giáo dục thì đương nhiên ai cũng nhìn thấy, bởi ai mà chẳng có con em đang ngồi trên ghế nhà trường. Song, cũng chưa ai có thể hình dung được bệnh thành tích của các thầy cô lại nặng đến mức cho các học sinh không biết đọc, biết viết, chưa đánh vần được chữ lên đến tận lớp 6 như ở Trường THCS-THPT Tân Mỹ.
Có người nói vui rằng “bao giờ cho đến ngày xưa”, để ám chỉ việc dạy và học thực chất như cái thời còn khói lửa chiến tranh, cái thời mà nguy cơ bị đúp của học sinh là hiển hiện, chứ không phải là “không thể lưu ban” như hiện nay. Khi ấy, ai đã đỗ vào đại học chắc chắn sẽ giúp ích được cho xã hội, đất nước, chứ không phải lấy bằng để... ngắm.
Trở lại câu chuyện có đến gần chục em học sinh lớp 6 ở Trường THCS-THPT Tân Mỹ chưa đọc thông viết thạo. Tất nhiên, sẽ có một vài cá nhân bị kỷ luật. Song, có kỷ luật lãnh đạo trường này nặng đến đâu cũng không thể giúp các học sinh lấy lại quãng thời gian 6 năm uổng phí bởi không tiếp thu được gì từ các thầy cô và nhà trường.
Vì thế, chúng ta không thể phủ nhận một sự thật rằng, bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ trong ngành giáo dục. Đã đến lúc phải kê thuốc thật đắng mới có thể giã được bệnh thành tích, đảm bảo chất lượng dạy và học thực chất chứ không phải là những con số ảo cho đẹp mắt.