Vẫn báo động kháng kháng sinh
Càng ngày càng có nhiều người tử vong mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trở nên nguy hiểm…
Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình có khoảng 40-60% ca bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên gặp tình trạng kháng kháng sinh, rất khó khăn trong điều trị. Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã điều trị cho một bệnh nhân nam 37 tuổi bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh nhân này đã kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh điều trị thông thường. Vì vậy bác sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới nhất để điều trị. Được biết, nếu không kháng kháng sinh, bệnh nhân này có thể đã được ra viện từ rất sớm nhưng vì bị nhiễm vi khuẩn đa kháng nên bệnh nhân nằm viện hơn 1 tháng mới được ra viện.
Hay như trường hợp bệnh nhân nam (71 tuổi, ở Ninh Bình), có tiền sử đái tháo đường, gút cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch do kháng kháng sinh. Trước khi chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân này có biểu hiện sốt, ho, khó thở và đã được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị viêm phổi. Tuy nhiên, sau 10 ngày, tình trạng của bệnh nhân vẫn không cải thiện, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nguy hiểm, kém đáp ứng kháng sinh nên được chuyển lên tuyến cao hơn để điều trị.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không từ đó đưa ra phác đồ điều trị mới.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân kháng kháng sinh nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng đáng báo động, theo các bác sĩ là do người dân mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn. Viêm họng, đau đầu, đau răng, đau bụng, thay vì phải đến viện khám để được điều trị đúng bệnh, rất nhiều người dân vẫn có thói quen ra hiệu thuốc, kể triệu chứng rồi nhờ người bán kê đơn về uống. Thậm chí nhiều người cảm cúm cũng ra mua kháng sinh về uống trong khi thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virus, tác nhân gây cảm cúm.
Nguy hiểm hơn, nhiều người dùng kháng sinh 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết viêm, hết đau thì lập tức ngừng thuốc vì cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người hoặc gây tác dụng phụ. Cũng có người khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày tuỳ theo từng người bệnh. Theo các bác sĩ, chính thói quen tự chữa trị này đã góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc và làm mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Nhiều chủng virus gây bệnh lậu, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu, ngày càng có khả năng đề kháng cao hơn với kháng sinh hiện có. Điều này xảy ra do những biến đổi di truyền của virus mà căn nguyên chính là việc sử dụng sai các loại kháng sinh hiện có, khiến thuốc không những không diệt được mà còn làm cho virus mạnh hơn.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch quốc gia phòng chống kháng thuốc để giải quyết tình trạng kháng thuốc. Bộ cũng đã rà soát, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, quản lý việc kê đơn thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất hạn chế.