Phim ‘Kiều’ mang thông điệp khát vọng tự do
Bộ phim điện ảnh “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền vừa chính thức ra mắt báo chí và khán giả vào tối 8/4. Mặc dù quãng đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều không thể đưa trọn vẹn lên màn ảnh mà chỉ lựa chọn một giai đoạn nhưng phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền đã truyền tải được thông điệp của bộ phim. Đó là khát vọng tự do.
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm văn học không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa người Việt mà còn mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Đó là lý do vì sao dự án phim điện ảnh “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền được cho là sự liều lĩnh.
Không mang cả cuộc đời nàng Kiều lên màn ảnh, tác giả kịch bản NSƯT Phi Tiến Sơn chọn giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba trái ngang với Thúc Sinh - chồng của Hoạn Thư để khéo léo truyền tải thông điệp nhân sinh quan và khát vọng tình yêu, tự do của con người.
Từng nhân vật xuất hiện trong phim không chỉ bồi đắp cho những kịch tính xoay quanh chuyện tình tay ba Kiều (Trình Mỹ Duyên) - Thúc Sinh (Anh Huy) - Hoạn Thư (Cao Thái Hà), mà Hoạn Bà, Tú Bà, Mã Giám Sinh và cả nhân vật hư cấu như Hiền Bá, Thị Liên cũng đều là những số phận đại diện phản ánh tâm hồn, tình cảm, tính cách và nhất là khát vọng tự do của con người ở mọi tầng lớp xã hội.
Sáng tạo chính là điểm nhấn của bộ phim. Nếu chuyển thể thì sẽ phải trọn vẹn nguyên một tác phẩm suốt 15 năm chặng đường lưu lạc của Kiều. Làm như vậy thì thời lượng 90 phút của một bộ phim điện ảnh sẽ là không thể. Khi đó hàng trăm nhân vật xuất hiện sẽ bị nhạt nhòa.
Khán giả đã quá quen thuộc với số phận, hình ảnh của Thúy Kiều và các nhân vật trong truyện. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với một đạo diễn trẻ như Mai Thu Huyền. Nếu không có sự sáng tạo tinh tế thì sẽ khó có thể thu hút được khán giả tới rạp. Và có thể nói, ở ngay bộ phim đầu tay, đạo diễn Mai Thu Huyền đã thành công khi lựa chọn câu chuyện này và tập trung khai thác sâu nội tâm của nhân vật.
“Trong truyện Kiều có thể chỉ nói một vài từ hoặc một vài câu thơ lục bát để miêu tả sự ghen tuông của Hoạn Thư hay của Mã Giám Sinh nhưng để ra bộ phim thì cần phải khai thác rất sâu về tâm lý của nhân vật. Trước đây, mọi người thấy Hoạn Thư không chỉ là ghen tuông, ác độc nhưng sau khi xem bộ phim này sẽ có sự thương cảm cho Hoạn Thư hơn, thương Thúy Kiều hơn. Bởi trong chuyện tình tay ba thì tất cả người trong cuộc sẽ rất là đau khổ và mất mát”- đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ.
Bên cạnh đó là chủ đề khát vọng tự do cũng được thể hiện xuyên suốt qua bộ phim. Thể hiện qua không chỉ một mình nhân vật Thúy Kiều. Khi Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh, bị vùi dập thân xác đã khiến Thúy Kiều mạnh mẽ vượt thoát khỏi điều đó. Và sự xuất hiện của nhân vật Đạm Tiên do Mai Thu Huyền đảm nhiệm góp phần làm nổi bật nên tính cách mạnh mẽ của Thúy Kiều. Đó là khát vọng muốn sống cho tình yêu của chính bản mình, sống cho sự tự do, vượt qua khỏi những định kiến, tư tưởng coi thường phụ nữ, coi thường giá trị con người của ý thức hệ phong kiến.
Nhân vật Thúc Sinh thì luôn bị coi thường khi sống trong gia đình Hoạn Thư. Lý do mà Thúc Sinh phải đi buôn xa là muốn được tôn trọng, muốn thoát khỏi sự kìm hãm. Và khi gặp được Kiều, hai tâm hồn đồng điệu cùng nhau họ đã nảy sinh tình yêu.
Ngay cả Hoạn Thư cũng không có tự do bởi những vỏ bọc, định kiến của một gia đình quyền quý. Hoạn Thư không thể bộc lộ cảm xúc, tình cảm bởi thanh thế của gia đình. Đó là nỗi đau. Trong bộ phim này có thể nhận thấy nhiều nàng Kiều chứ không chỉ có Thúy Kiều mới là thân phận của nàng Kiều.
Khi lựa chọn diễn viên mới vào vai chính Thúy Kiều nhiều người cho rằng đó sự mạo hiểm. Bởi kinh nghiệm và khả năng diễn xuất của gương mặt mới có thể chưa chín. Lý giải cho việc chọn Mỹ Duyên đảm nhiệm vai Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết: “Nhân vật Thúy Kiều có một cái khó là cụ Nguyễn Du diễn tả quá đẹp cho nên về mặt nhan sắc thì người diễn viên cũng phải đẹp tuy không nghiêng nước nghiêng thành. Giai đoạn lựa chọn diễn viên đảm nhiệm nhân vật Thúy Kiều là ở giai đoạn cô ấy vừa bị lừa vào lầu xanh thì phải là một cô gái có sự trong sáng. Trên gương mặt của Mỹ Duyên thể hiện được điều đó. Và Duyên đã làm tròn vai, làm tốt”.
Có thể thấy việc lựa chọn diễn viên trẻ, mới cho vai diễn chính là sự lựa chọn mạo hiểm cho một bộ phim được đầu tư công phu nhưng sự mạo hiểm đó của nhà sản xuất đã được đền đáp xứng đáng.
Bối cảnh trong phim được quay ở sáu tỉnh thành gồm Cao Bẳng, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ, một số cảnh quay kỹ xảo được thực hiện ở TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ bối cảnh lầu xanh trong thư dinh Hoạn Thư được thực hiện ở Huế.
Trong phim có xuất hiện một số cảnh nóng nhưng không bị lạm dụng. Mỗi một cảnh nóng được sử dụng đều có nội dung và thông điệp truyền tải.
Đánh giá về bộ phim điện ảnh “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền, NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết: “Với bộ phim đầu tay mà là phụ nữ là điều rất khuyến khích. Phần đầu về bố cục chưa được ưng ý. Nhưng về sau có truyện nên phát triển tương đối tốt. Ý tưởng khai thác hình ảnh Hoạn Thư là một cách nhìn khác về các nhân vật của truyện Kiều. Huyền là phụ nữ nên biết cách đi sâu vào nội tâm của nhận vật Hoạn Thư, đây là nhân vật có sự đa chiều. Từ đó gây được hiệu quả cho người xem. Đây là cách xử lý khá mềm mại của nữ đạo diễn. Và đó cũng là nét khác biệt của bộ phim này”.
Ngay từ khi bắt tay vào làm bộ phim, đạo diễn Mai Thu Huyền mong muốn sẽ chiếu bộ phim ở cả nước ngoài với mong muốn thông qua bộ phim sẽ giới thiệu những cảnh đẹp ở Việt Nam.
Tại buổi ra mắt, công chiếu bộ phim, đạo diễn Mai Thu huyền đã không dấu được niềm vui, sự xúc động, cô chia sẻ: “Mười năm trước, khi bố của Huyền còn sống, biết Huyền mong muốn thực hiện bộ phim Kiều thì bố đã nói với mình “nếu con thiếu tiền làm bộ phim này thì bố sẵn sàng bán đất để cho con làm phim”. Chính câu nói đó đã thôi thúc Huyền trong suốt mười năm qua”.