Vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vai trò chủ sở hữu
Việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật, do đó khó khăn trong triển khai. Sau 5 năm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cũng đã bộc lộ không ít vướng mắc.
Luật quy định cụ thể cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xác định rõ chức năng giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu góp phần nâng cao quyền chủ sở hữu, tự chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: Việc xác định vốn nhà nước đầu tư vào DN, thẩm quyền đầu tư vốn ra ngoài DN, quyết định về đầu tư vốn ra nước ngoài, phân phối lợi nhuận…
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)cho rằng, hiện các khái niệm về vốn không còn phù hợp; lẫn lộn và sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu DN.
Cụ thể, tại Khoản 3 và khoản 8 Điều 3 Luật quy định như sau: “Đầu tư vốn nhà nước vào DN là việc Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào DN”; “Vốn nhà nước tại DN bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại DN, quỹ hỗ trợ sắp xếp DN; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại DN”.
Khi đầu tư vào DN, thì đổi lại là thành cổ đông, thành viên, và tài sản có được là số cổ phần, phần góp vốn tương ứng. Nhà nước giống như nhà đầu tư khác đều có thể sử dụng mọi loại vốn có thể để đầu tư. Khi đã đầu tư, lấy sở hữu cổ phần và phần góp vốn, thì sau đó, tất cả là của DN; DN mua sắm tài sản, và trong bảng cân đối kế toán tương ứng với tài sản là nợ, tức là vốn của DN.
Như vậy, quy định hiện hành chưa làm rõ và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của DN và tài sản nhà nước.
TS Phan Đằng Chương (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam) cho rằng có 5 vấn đề chính cần tháo gỡ. Đó là, khái niệm vốn nhà nước và Nhà nước với vai trò chủ sở hữu; Các vấn đề liên quan đến bảo đảm tính cạnh tranh của các DN theo cơ chế thị trường; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư vào DN; đánh giá hiệu quả hoạt động; minh bạch và công bố thông tin.
Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý vốn nhà nước tại các DN đang gặp không ít vấn đề. Chưa kể đến việc, phần lớn DN nhà nước sở hữu nhiều tài sản, đất đai nhưng hiệu quả sinh lời từ khối tài sản này hạn chế.
Do vậy, giới chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước, cần phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Tức là, đặt DN có phần vốn nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, đánh giá hiệu quả hoạt động DN có phần vốn nhà nước, dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hằng năm - hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng nói, hoạt động làm ăn kinh doanh, khó có thể đòi hỏi DN nhà nước “trăm trận trăm thắng”, phải giám sát yêu cầu hiệu quả nhưng đó là hiệu quả hoạt động chung của DN chứ Nhà nước không làm thay việc “soi” từng dự án để thấy có dự án nào đó không hiệu quả mà kết luận DN không hiệu quả.
TS Nguyễn Đình Cung, nhấn mạnh: Không thể có một DN mà trong đó chục loại tài sản với các chế độ quản lý, sử dụng khác nhau: Đất đai sử dụng như thế này, tài sản công sử dụng thế kia, nhà đất thì sử dụng thế này. Như thế DN không thể hoạt động đầu tư hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phải rõ trách nhiệm, quyền lợi, quyền lực liên quan đến quản trị của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp do ban điều hành thực hiện, tách chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước đồng thời cần cụ thể hóa về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu; áp dụng quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.