Hai yếu tố mấu chốt giúp công nghiệp vật liệu 'cất cánh'

Thành Luân 10/04/2021 15:58

Việt Nam đang gặp khó khăn trong ngành công nghiệp vật liệu, nhất là thiếu kỹ sư và công nghệ kỹ thuật cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Tuy nhiên, Việt Nam còn lợi thế về chi phí lao động rẻ, cũng như cơ chế, chính sách đãi ngộ từ Nhà nước trong thu hút đầu tư…

Đó là nhìn nhận của Tiến sĩ khoa học Kon Yohichi, Viện trưởng viện Nghiên cứu tại Công ty CP hóa học kim loại Tokyo (Nhật Bản), là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với đối tác tại Việt Nam.

Tiến sĩ khoa học Kon Yohichi, Viện trưởng viện Nghiên cứu tại Công ty CP hóa học kim loại Tokyo (Nhật Bản) chia sẻ tại Hội thảo quốc tế qua không gian trực tuyến.
Tiến sĩ khoa học Kon Yohichi chia sẻ tại Hội thảo quốc tế qua không gian trực tuyến.

Theo TS Kon Yohichi, các doanh nghiệp Nhật Bản đang bắt đầu chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam khi nhìn nhận tình hình ổn định, cũng như lợi thế về chi phí lao động. Các nhân tài của Việt Nam cũng đang quan tâm đến doanh nghiệp Nhật Bản và sẽ có cơ hội cống hiến trong một lĩnh vực đầy triển vọng.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản mà Việt Nam có thể học hỏi, đó chính là chủ trương chuyển cơ cấu kinh tế từ công nghiệp nhẹ như nông nghiệp, dệt may,… sang các ngành công nghiệp vật liệu và công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

“Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển đổi thành quốc gia tăng trưởng và đột phá như Nhật Bản thông qua các hoạt động đầu tư về khoa học công nghệ tiên tiến”. Cũng theo TS Kon Yohichi, các chuyên gia Nhật Bản sẳn sàng đưa ra đề án và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực và phát triển ngành công nghiệp vật liệu nhằm làm cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được phát triển nhanh chóng.

Tại Đại học Quốc gia TP HCM, là trung tâm đào tạo nhân lực cao cung cấp cho các Khu công nghệ cao của TP HCM và cả nước.

Dù vậy, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cũng nhìn nhận, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội trong nước dù ngày càng tăng cao, nhưng năng lực sản xuất của ngành này vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước có vai trò quyết định đến sự thành công của phát triển ngành.

Từ góc độ kinh nghiệm của TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, kinh nghiệm của thành phố với hai chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho ngành công nghiệp, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.

Cụ thể, thành phố có chính sách đặc thù là kích cầu đầu tư, cho vay vốn kích cầu, tất cả lãi suất do ngân sách thành phố chi trả khi có dự án tốt được thông qua bởi hội đồng thẩm định. Thời gian vay tối đa 7 năm, có dự án đặc biệt lên đến 10 năm. Từ những dự án này, đến nay TP HCM đã triển khai được nhiều sản phẩm, trong đó một số doanh nghiệp công nghệ cao đã vươn tầm thế giới.

Ở khía cạnh chủ trương, hiện nay Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu.

Qua thực tiễn khảo sát và nghiên cứu, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ sự phát triển của ngành công nghệ vật liệu đang đứng trước vô vàn các thách thức. Đó là các vấn đề về quy mô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, phụ thuộc vào nhập khẩu, dù đã có những kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

Trong tình hình phát triển mới của đất nước, ông Trần Tuấn Anh cho rằng xu thế đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp vật liệu là tất yếu trong quá trình phát triển. Thực tiễn trên thế giới cho thấy không có quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.

Từ thực tiễn đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra 5 điểm mấu chốt cần làm rõ trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", bao gồm:

Thứ nhất, cần làm rõ hơn nữa vai trò của ngành công nghiệp vật liệu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực trạng của ngành công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua. Nhận diện, làm rõ vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta và thực trạng của nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta trong thời gian qua. Đây có thể là những vấn đề rất then chốt.

Thứ hai, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam. Quá trình đánh giá phải khách quan, khoa học, chỉ ra được những điểm mạnh, điểm yếu của nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu, kể cả nguồn nhân lực quản lý, nhân lực khoa học công nghệ và lực lượng lao động.

Thứ ba, nhận diện, làm rõ những rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu tại Việt Nam hiện nay. Trong đó, cần làm rõ đâu là những "nút thắt" Nhà nước cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, giải phóng nguồn lực và năng lực sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Kế đó, cần phân tích, đánh giá về xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới, từ đó có được những tư duy và cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và phát triển ngành công nghiệp vật liệu nói riêng.

Thứ năm, đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu, nhất là những mô hình, cách làm sáng tạo, những bài học kinh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở các định hướng thảo luận của Ban Kinh tế Trung ương, các tham luận đã tập trung phân tích, tham luận và mở rộng vấn đề tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” , diễn ra tại TP HCM vào ngày 10/4. Từ đó, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ KH&CN đã tập hợp các cơ sở đánh giá xu thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu trên thế giới và những vấn đề đặt ra đối với ngành công nghiệp vật liệu nói riêng; kinh nghiệm quốc tế và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu. Từ đó, đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đến năm 2030, tầm nhìn 2045./.

Thành Luân