Thế giới tròn 100 ngày tiêm vaccine Covid-19: Cần một cách tiếp cận toàn diện để dập dịch

Minh Thúy 11/04/2021 16:04

Ngày 14/4, thế giới đánh dấu tròn 100 ngày bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng lên.

Bác sĩ Học viện Quân Y tiêm mũi 2 vaccine Nano Covax liều 25mcg cho người tình nguyện.

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 10/4, đã qua 100 ngày kể từ khi quốc gia đầu tiên chính thức tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng tới nay vẫn còn 26 quốc gia chưa thực hiện được. Trong khi đó số ca mắc mới vẫn không ngừng tăng lên, các quan chức của WHO cho rằng quỹ đạo của đại dịch đang đi chệch hướng.

Theo Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hơn 700 triệu liều vaccine đã được phân phối toàn cầu. Tuy nhiên có đến 87% trong số này thuộc về những nước có thu nhập cao, khá và trung bình, trong khi những nước có thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2%. Tại các nước có thu nhập cao, cứ 4 người đã có một người được tiêm vaccine, trong khi đó con số ở nước có thu nhập thấp là 1/500 người. Sự phân phối vaccine không cân bằng cũng khiến mục tiêu trong chiến dịch tiêm vaccine 100 ngày của LHQ không thực hiện được (Sáng kiến COVAX).

“Chúng tôi đã đưa ra lời kêu gọi bắt đầu tiêm chủng ở các quốc gia trong 100 ngày đầu tiên của năm. Ngày 10/4 là ngày thứ 100. Tuy nhiên, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 194 quốc gia bắt đầu tiêm chủng còn 26 nước chưa bắt đầu tiêm chủng. 12 quốc gia đã nhận và chuẩn bị nhận vaccine và có thể triển khai trong những ngày tới, trong khi 14 quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng vì nhiều lý do”- Tổng Giám đốc WHO nói.

Ông Tedros cũng bày tỏ quan ngại khi các nước bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung vaacine để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quốc gia, thì tại châu Âu vẫn xuất hiện nhiều ca mắc mới, đồng thời dịch bệnh tái diễn phức tạp hơn tại một số quốc gia từng có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt, mà đáng kể nhất là Ấn Độ.

Trong một diễn biến khác, theo WHO, tổ chức này đã kêu gọi tiến hành các nghiên cứu về việc kết hợp các loại vaccine, song cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu toàn diện nào nên chưa thể đưa ra khuyến nghị. Tuyên bố trên được đưa ra ngày 10/4 sau khi Pháp thông báo những người dưới 55 tuổi được tiêm mũi đầu vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ 2 là một loại vaccine khác. Người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris, khẳng định vào thời điểm này, việc sử dụng vaccine khác nhau giữa các liều tiêm không được khuyến nghị. Điều này cần được nghiên cứu để có thể hiểu rõ đây có nên là chiến lược mà các nước có thể áp dụng hay không. Tuy rằng một số nước đã tiến hành tiêm chủng kết hợp giữa hai loại vaccine.

Việc tiêm kết hợp một vaccine khác sau khi tiêm mũi đầu AstraZeneca xuất phát từ thông tin xuất hiện “huyết khối” khi tiêm vaccine này. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết tác dụng phụ từ AstraZeneca là “hy hữu”.

Với Việt Nam, tính tới ngày 10/4, trên phạm vi cả nước đã sắp bước vào ngày thứ 20 không có ca Covid-19 mới trong cộng đồng; đã có 19 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine Covid-19. Tới thời điểm này, cả nước có tổng cộng 1.570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 37.938 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 523 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 21.705 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.710 người.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 50 ca, tính đến ngày 10/4.

Trong vòng 100 ngày tiêm vaccine, thế giới có tới 6 tuần liên tiếp số ca mắc mới tăng lên, trong khi số ca tử vong cũng gia tăng. Bà Maria Van Kerkhove - người đứng đầu nhóm kỹ thuật Covid-19 của Chương trình Y tế khẩn cấp WHO nhận định: “Vaccine và tiêm chủng là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng chúng sẽ không chấm dứt được đại dịch. Để chấm dứt đại dịch cần một cách tiếp cận toàn diện mà mỗi người dân cần ý thức về vai trò của mình và được hỗ trợ để thực hiện vai trò của mình”.

Minh Thúy