‘Đoạn trường’ Tất Thành Cang
Vi phạm của 2 ông Tất Thành Cang và Lê Văn Phước là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.
Ngày 7/4/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, nguyên Thành uỷ viên, Phó Trưởng Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Văn Phước, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên.
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Ông Tất Thành Cang, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM đã vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây thiệt hại, thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước, đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM ra Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Lê Văn Phước, với trách nhiệm Tỉnh uỷ viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên đã vi phạm Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng và tham ô, chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước, đã bị Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định xử phạt 12 năm 6 tháng tù về tội “tham ô tài sản”.
Vi phạm của 2 ông là rất nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.
Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang và ông Lê Văn Phước.
Ở đây, xin được nói rõ hơn về trường hợp ông Tất Thành Cang.
4 nhóm sai phạm của ông Tất Thành Cang
Trước hết, câu hỏi đặt ra là: Ông Tất Thành Cang khi còn giữ những vị trí công tác đặc biệt quan trọng của TP HCM đã phạm phải những gì? Có thể “gom lại” thành 4 nhóm sai phạm như sau:
1/ Tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra tháng 11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc. Vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy…
2/ Khi còn làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
3/ Ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc bán rẻ hơn 320.000 m2 đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Đây là khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn nhưng chỉ bán 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách 419 tỉ đồng.
4/ Thanh tra TP HCM kết luận chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), trong đó có việc Sadeco (công ty con của IPC) phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim khiến ngân sách thành phố thiệt hại hơn trăm tỉ đồng. Thanh tra TP HCM xác định IPC thực hiện việc này theo văn bản số 495 ngày 18/5/2017 truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương của Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM (thời điểm đó là ông Tất Thành Cang).
Chân dung ông Tất Thành Cang
Chiều 16/12/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang - cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM, về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang.
Trước đó, HĐND TP HCM đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Tất Thành Cang; theo quy định tại Điều 101 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ông Tất Thành Cang sinh ngày 5/2/1071. Quê quán: huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Có trình độ cử nhân chính trị và thạc sĩ luật.
Tháng 2/1990, đi bộ đội. Từ năm 1993 đến năm 2001, học tại Đại học Tổng hợp TP HCM; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong thời gian học này, ông đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch Hội sinh viên Trường, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố, Phó Bí thư Đoàn Đại học Luật TP HCM, Phó ban Đại học chuyên nghiệp Thành Đoàn. Tháng 7/2001 đến tháng 3/2003, là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn TP HCM, Chủ tịch Hội sinh viên TP HCM, Trưởng ban Đại học chuyên nghiệp.
Một năm sau đó, ông Tất Thành Cang trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí thư rồi Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố, Trưởng ban Mặt trận Thành Đoàn TP HCM. Năm 2004 đến năm 2009, là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TP HCM.
Năm 2009 đến năm 2012, ông Cang là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2, TP HCM. Một năm sau, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, ông Tất Thành Cang được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Cuối tháng 9/2012, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM; Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016. Hai năm sau đó, được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2016 (miễn nhiệm cuối tháng 12/2015).
Năm 2015, tại Đại hội Đảng bộ TP HCM khoá X, ông Cang được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020. Đầu năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, ông Cang được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Đến tháng 2/2016, được Thành ủy phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.
Cuối tháng 12/2018, tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Trước đó, tại phiên họp thứ 32, đầu tháng 12/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Tất Thành Cang.
Đến ngày 16/12/2020, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tất Thành Cang với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngày 10/3/2021, Viện KSND TP HCM cho biết, đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án liên quan bị can Tất Thành Cang và 18 bị can khác. Lý do trả hồ sơ để yêu cầu Cơ quan CSĐT xác định lại thiệt hại trong vụ án.