Đồng Nai: Người dân ‘kêu cứu’ vì Rạch Mọi ô nhiễm nặng
Nước trên con rạch có màu vàng đục, bốc mùi hôi nồng. Váng dầu lắng đọng dưới các lớp bùn. Các loài thủy sinh dần biến mất. Nguồn nước ngầm người dân dùng để sinh hoạt cũng có dấu hiệu ô nhiễm. Rạch Mọi (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đang từng ngày bị "bức tử"...
Chờ mưa để xả thải?
Mấy hôm nay, địa bàn tỉnh Đồng Nai có mưa trái mùa. Trong tiết trời oi bức, nắng nóng những cơn mưa đã “giải nhiệt” khiến ai nấy đều phấn khởi. Nhưng với người dân đang sinh sống tại Khu 1, Khu 2, Khu 3, ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (đoạn dọc hai bên bờ sông Rạch Mọi) thì mưa xuống khiến họ vô cùng bất an. Bởi mưa là lúc Công ty TNHH Header Plan (ấp Bình Thạch) thường lợi dụng để xả thải ra môi trường. Vị trí xả là ngay dưới lòng Rạch Mọi.
Nhận được tin báo của người dân, tuần qua, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại một số hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ Rạch Mọi để ghi nhận tình hình thực tế. Theo quan sát, nguồn nước tại Rạch Mọi có dấu hiệu ô nhiễm. Nước có màu vàng đục, xen lẫn những vệt đỏ thẫm, bốc mùi hôi nồng (như mùi a xít hoặc chất tẩy rửa). Chúng tôi đã nhờ một người dân dùng cây tre dài khơi một lớp bùn dưới Rạch lên thì thấy một lớp váng dày màu đen, có nhiều dầu mỡ tản ra quanh dòng nước. Lớp váng này bốc mùi hôi thối nghi do dầu lắng lâu ngày. Gần như mọi sự sống của các loài thủy sinh là không tồn tại.
Ông L.V.T (ấp Bình Thạch) có nhà ngay sau nhà máy sản xuất của Công ty Header Plan rầu rĩ: “Cá cua dưới rạch thì chết sạch. Tôi có hai hồ cá, 1 hồ gần 500m2, 1 hồ hơn 100m2. Hồ cá nhà tôi giờ bỏ hoang rồi, lỗ 80 triệu đồng do nuôi cá. Nuôi 5 lần rồi, cá không sống nổi. Có con sống bắt lên nấu thì hôi mùi dầu đâu có ăn được. Còn cây cối bơm nước tưới thì chết sạch. Quanh hồ cá nhà tôi chỉ còn mấy cây tre sống được. Nước sinh hoạt thì xài giếng khoan mà phải khoan xuống 50 m. Nước nấu ăn thì nấu nước bình, còn nước khoan chỉ dùng để giặt đồ thôi”.
Bà T.T nhà ngay sát Rạch Mọi chia sẻ: “Cây dừa nhà tôi sát mép rạch mà nó còn chết. Cá dưới rạch này bắt lên đâu có ăn được. Kho lên là toàn mùi dầu”. Nhiều người dân ở đây cho biết, việc xả thải lúc trời mưa đã diễn ra khoảng gần 10 năm nay. “Mình biết vị trí đó nhưng đi vô đó không được đâu. Rạch này xưa tôm cá dữ lắm. Cái đoạn ô nhiễm là từ đoạn ngã tư Cống Dứa đổ xuống hết Rạch sau đó ra sông Đồng Nai. Mình báo lên xã mà xã làm lơ, không nói gì. Dân có một cái đơn tập thể rồi. Đơn thưa lên xã rồi, lên huyện, tỉnh luôn rồi”, một người dân bức xúc.
Mới đây, trong đơn gửi các cấp Chính quyền tỉnh Đồng Nai, nhiều người dân nêu rõ: “Cứ vào những cơn mưa lớn, để né tránh kiểm tra của cơ quan chức năng (lúc mưa cuối tuần vào buổi chiều tối ngày thứ 7 và chủ nhật) công ty sẽ tiến hành xả nước thải xuống Rạch Mọi. Ống xả thải (đường kính khoảng Ø 200) của công ty trên được chôn ngầm thấp dưới mặt nước của rạch nên rất khó phát hiện. Khi trời mưa, công ty cứ thế xả nước thải theo mưa để qua mặt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”.
Dân lo hình thành “làng bệnh tật"!
Phản ánh với chúng tôi, ngoài việc phàn nàn việc Rạch Mọi bị ô nhiễm, điều khiến người dân lo lắng nhất chính là bệnh tật. Họ rất sợ và ám ảnh nơi mình đang sống dễ hình thành nên “làng ung thư”. Người dân cho biết, Công ty TNHH Header Plan chuyên sản xuất các loại đinh, ốc vít. Trong quá trình sản xuất có sử dụng các chất tẩy, axit, chế phẩm làm mạ. Nếu những chất này được thải ra ngoài môi trường không qua xử lý thì rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây bệnh hiểm nghèo như: nhiễm độc từ kim loại nặng, ung thư, nhiễm khuẩn lạ…
Thực tế là đã có nhiều trường hợp bị bệnh có dấu hiệu liên quan đến việc Rạch Mọi ô nhiễm. Nhiều người dân khi lội xuống rạch thì chân bị ngứa. Người có vết thương hở lâu ngày tiếp xúc với nước dưới rạch thì bị nhiễm trùng. Cụ thể như trường hợp của ông N.V.Q từ nơi khác đến khu 1, ấp Bình Thạch để ở trọ, do không biết rạch bị ô nhiễm, ông này thường xuyên bắt cá. Do ngâm nước nhiều ngày gây ra vết thương hở, sau đó bị nhiễm trùng nặng. Sau khi thăm khám, ông được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh thông báo nguyên nhân nhiễm trùng là do vi rút sống tại nơi có lượng chì rất cao. Qua nhiều đợt điều trị, số tiền chữa bệnh của ông Q lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mới đây nhất là trường hợp của ông G. Ông này cũng thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước dưới rạch nên chân bị lở loét, nhiễm trùng da nghiêm trọng, tạo nên những vết loét lớn. Hiện nay, nhiều gia đình sinh sống hai bên Rạch Mọi vẫn có thói quen sử dụng nước dưới rạch để sinh hoạt. Một số hộ còn dùng nước ngầm để ăn uống. Tuy chưa có một khảo sát chính thức nào về mức độ ô nhiễm của Rạch Mọi, nhưng về lâu về dài, sự tích tụ, lắng đọng của những hóa chất tẩy rửa có thể sẽ là một trong những nguyên nhân tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sinh sống gần đó. Việc người dân lo ngại về nguy cơ các bệnh hiểm nghèo là có cơ sở.
Cần làm rõ rõ nguyên nhân, xử lý bảo vệ môi trường Rạch Mọi
Từ khi hoạt động đến nay, Công ty TNHH Header Plan đã bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kiểm tra xử phạt nhiều lần về hành vi xả thải ra môi trường và một số vi phạm khác.
Cụ thể năm 2016, công ty này bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt trên 200 triệu đồng về hành vi vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật chất thải từ 2 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40m3 đến dưới 60m3/ngày đêm. Cụ thể, thông số COD (khối lượng ôxy cần tiêu hao trên một lít nước thải) vượt 2,1 lần, lưu lượng xả thải thực tế là 44m3/ngày đêm. Ngoài ra, thông số tổng dầu mỡ khoáng vượt 1,6 lần.
Mới đây nhất, vào năm 2019, Header Plan cũng bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt 573 triệu đồng vì để nước thải chưa qua xử lý chảy ra Rạch Mọi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người dân tiếp tục phản ánh tình trạng công ty này lợi dụng mưa lớn vào ngày 2 và 3 tháng 4 để xả thải ra Rạch Mọi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Chưa thấy thông tin người dân phản ánh. Đề nghị phóng viên cho biết tên người phản ánh để liên hệ. Tuy nhiên qua thông tin báo chí, sẽ yêu cầu Phó Chủ tịch xã chuyên trách xuống kiểm tra hiện trạng”.
Qua những gì người dân phản ánh, và ghi nhận thực tế hiện trường, câu hỏi đặt ra là phải chăng chế tài xử phạt chưa đủ răn đe? Hay việc chính quyền địa phương sở tại, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý đến cùng?.