Gần dân, trọng dân
Chiều ngày 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý chính quyền phải gần dân, trọng dân. Phải cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân như lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh. Chủ tịch nước đề nghị chính quyền địa phương phải tâm niệm: Người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là người được hưởng lợi nhiều nhất; trong hoạch định kinh tế - xã hội phải chú trọng mục tiêu tạo nhiều công ăn việc làm, thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động.
“Tôi đề nghị các đồng chí luôn phải đặt người dân ở vị trí trung tâm. Người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đây chính là vấn đề gốc rễ, bảo đảm an sinh xã hội, sự đồng thuận, đoàn kết để tạo nên sức mạnh của quốc gia, dân tộc. Từ trong xa xưa, tổ tiên ta đã ý thức sâu sắc sức mạnh của quần chúng nhân dân, từ đó xây dựng và vun đắp tư tưởng trọng dân, dân là gốc. Ai có dịp đến Đền Trần (Nam Định) đều thấy ngay tại cổng Ngũ Môn câu đối: “Dân vi bang bán thiên niên sách, Công tại nhân tâm vạn cổ trường” (Lấy dân làm gốc, đó là sách lược ngàn năm/Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tư tưởng Nước lấy Dân là gốc. Người nói, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” - bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8/12/1956.
Ngày nay, tinh hoa tư tưởng “dân là gốc” của truyền thống dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh càng sinh động. Năm 2020, một năm đầy khó khăn khi dịch Covid-19 ập đến. Cùng với những chủ trương, quyết sách sáng suốt của Đảng, Nhà nước thì sự đồng lòng của toàn dân đã giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.
Hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước đã trở thành hơn 100 ngàn pháo đài dập dịch. Sự đồng thuận, đồng lòng của người dân Việt Nam trong đại dịch đã tạo nên sức mạnh thần kỳ giúp đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Cũng có thể dẫn chứng việc xây dựng nông thôn mới. Nơi thuận lợi đã đành, nơi khó khăn cũng xây dựng thành công nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong phong trào ấy, rất nhiều người dân đã tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông liên thôn liên xã, xây trạm y tế, xây điểm trường. Đó là những tấm lòng Bồ Tát giữa đời thường khi dám hy sinh quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình vì lợi ích chung, để cả cộng đồng cùng được hưởng.
Lâu nay, chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã hóa giải nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng cũng như giúp cho các công trình tại địa phương đạt chất lượng. Khi tiếng nói của người dân được lắng nghe, được tôn trọng thì chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì, việc khó đến mấy cũng làm xong.
Tới nay, không chỉ được tham gia vào công chuyện tại địa phương, mà chủ trương của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng là người dân phải được thụ hưởng thành quả mình đã góp công, góp sức. Chỉ có như vậy mới là lẽ công bằng.
Trở lại vấn đề người dân là trung tâm, đây phải là điều tâm niệm của những người trong vị trí công bộc của dân, những người nhận lãnh trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước thì trước tiên phải là lo cho dân. Thời gian qua, những bài học đắt giá từ chỗ thiếu tôn trọng dân, chủ quan, duy ý chí là rất rõ ràng. Trong quá trình phát triển, chỉ vì lợi ích cục bộ, địa phương chủ nghĩa, lợi ích nhóm, gạt lợi ích của người dân ra ngoài đã dẫn tới những vụ khiếu kiện kéo dài, có khi rất gay gắt.
Nhất là trong lĩnh vực đất đai. Trong đó có nhiều vụ giao đất cho doanh nghiệp nhưng đền bù cho dân rất thấp, có khi còn ở mức vô lý, khiến người dân bức xúc. Điển hình là “vụ Thủ Thiêm” đã kéo dài hơn 20 năm, nhiều quan chức mắc sai phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, bị đi tù nhưng cũng vẫn còn đó nhiều hộ dân không thể có cuộc sống an bình.
Đất nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong quá trình ấy người dân phải được đặt ở vị trí trung tâm. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó là chân lý. Trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội, phải hài hòa lợi ích của Dân, của Nước, của Doanh nghiệp. Đó chính là trách nhiệm, là tấm lòng và cũng là đòi hỏi không chỉ là pháp lý mà còn là đạo lý.
Dân chỉ trở thành trung tâm trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội khi được biết rành mạch những gì sắp tới sẽ tác động đến cuộc sống của mình, của gia đình mình thế nào. Từ đó được có ý kiến, được bàn bạc, được giám sát và được thụ hưởng. Bài học dân là gốc, vì dân, dân là trung tâm thiết nghĩ không bao giờ cũ.