Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021: Thí sinh quan tâm đến quá trình đào tạo

Thu Hương 12/04/2021 06:30

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 do Bộ GDĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều thắc mắc của thí sinh và phụ huynh, các thầy cô giáo đã được giải đáp. Trong đó, không chỉ quan tâm đến các điều kiện xét tuyển vào trường, điểm cộng ưu tiên, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường mà nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình đào tạo trong trường ra sao để không bị “trượt đại học (ĐH) sau khi đỗ ĐH” cũng được đặt ra.

Các thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021.

Năng lực ngoại ngữ rất quan trọng

Năm 2021, ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển 500 chỉ tiêu bằng ba phương thức, trong đó không xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội. Em Hoàng Thái Sơn, lớp 12A4, THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội đặt câu hỏi: Khi trường xét thí sinh có IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương thì có gây ra sự thiếu công bằng cho các thí sinh hay không? Bởi năng lực ngoại ngữ không liên quan trực tiếp đến ngành học.

Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng các trường ĐH khối y dược xét tuyển với chứng chỉ IELTS thì đều có các điều kiện kèm theo như sau: Chứng chỉ IELTS quy đổi sang thang điểm 10, hai môn trong tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp hoặc Toán, Hóa hoặc Toán, Sinh. Như vậy, không thể nói là không công bằng.

Cũng liên quan đến năng lực ngoại ngữ, một thí sinh đặt câu hỏi về chương trình liên kết của ĐH Bách khoa Hà Nội thì yêu cầu về học phí và năng lực tiếng Anh ra sao? PGS.TS Nguyễn Phong Điền- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thông tin: Thí sinh có thể tham khảo từ đề án tuyển sinh riêng của nhà trường qua website, các số điện thoại đường dây nóng. Mỗi chương trình đều quy định khung học phí riêng, điều này rất quan trọng, phụ huynh và thí sinh nên quan tâm.

PGS Điền nhấn mạnh khi đăng ký nguyện vọng, quyết định chọn trường, nộp hồ sơ xét tuyển, nhập học, thí sinh không nên bỏ qua phần này vì mỗi gia đình cần có sự chuẩn bị, cân nhắc về mặt tài chính. Với ngoại ngữ, đây là tiêu chí rất quan trọng, đặc biệt nếu thí sinh muốn xét tuyển vào các chương trình học bằng tiếng Anh.

“Nếu chưa đạt trình độ môn Tiếng Anh để có thể nghe giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh từ năm thứ 2, các em thì phải học tiếng Anh tăng cường, học ngoài giờ, học hè… Nên xác định là không có thời gian xả hơi khi vào trường ĐH”, PGS Điền nhấn mạnh.

Soi chiếu các điều kiện

Thí sinh Nguyễn Văn Long (lớp 12A5, Trường THPT Yên Phong 1, Bắc Ninh) đặt câu hỏi, khi đăng ký xét tuyển vào Trường Bách Khoa, có điều kiện là điểm trung bình môn của các học kỳ trên 7. Năm lớp 10, em có 1 môn đạt 6,8 thì có được đăng ký hay không?

PGS Điền cho biết thí sinh cần đọc kỹ đề án và hiểu rõ khái niệm trung bình. Ở đây quy định em có 6 học kỳ của 3 năm phổ thông. Em cộng vào chia đều nên dù có 1 học kỳ dưới 7 nhưng những học kỳ khác trên 7 là có thể bù vào. Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm song trên thực tế, có những trường quy định tất cả các học kỳ của môn đó phải trên 7 thì thí sinh cần lưu ý rà soát lại học bạ của mình trước khi đăng ký nguyện vọng.

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, kinh nghiệm những năm trước đây các bạn thí sinh chỉ quan tâm đến việc xét tuyển. Nhưng khi trúng tuyển vào trường ĐH rồi lại phải quay sang NV khác bởi sau khi tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường ĐH đó, có những trường quy định muốn vào ngành này điểm học bạ phải từ 7.0, hạnh kiểm tốt… và các em không đáp ứng được.

Vì vậy, trước khi đăng ký xét tuyển bằng bất kỳ hình thức nào thì cần quan tâm đặc biệt đến đề án tuyển sinh của trường, ngành đào tạo mà em đăng ký, liệu các em có bị “chặn” ở điều kiện nào không… để tránh đỗ rồi lại trượt rất lãng phí công sức.

Rèn luyện kiến thức, kỹ năng và thái độ

Đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội, một phụ huynh thẳng thắn: Tôi được biết, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ sinh viên thi trượt các môn ở trường rất cao. Con số 80% có đúng không? Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn theo quy định của trường là bao nhiêu?

Chia sẻ với nỗi lo lắng này của phụ huynh, PGS. TS Nguyễn Phong Điền cho biết nhà trường luôn tuân thủ “ba công khai” trong tuyển sinh và đào tạo. Các thông tin đều được công khai trên trang thông tin điện tử của trường. Cụ thể, vào Trường ĐH Bách khoa khó, học cũng khó, ra cũng khó.

Mỗi năm, trường có khoảng 700- 800 sinh viên bị thôi học hệ chính quy nhưng cũng vẫn có những cơ hội học tập khác cho các em. Lý do các sinh viên này bị thôi học do không đảm bảo yêu cầu của nhà trường theo quy chế, 70-80% trong số đó là do sa đà vào game online hoặc các tệ nạn khác… Và nhiều trường kỹ thuật khác ở Hà Nội, tỷ lệ trượt cũng không kém.

Về tỷ lệ tốt nghiệp của Trường Bách khoa hàng năm hiện đang phấn đấu ở mức 60% nếu học chương trình kỹ sư 5 năm. 40% còn lại phải tiếp tục trả nợ môn để năm thứ 6 có thể ra trường. Nếu nhìn mặt tích cực là mỗi năm có khoảng 1000 sinh viên tốt nghiệp sớm trước thời hạn. Điều này thể hiện sự phân hóa rất lớn về trình độ của sinh viên sau khi ra trường, cả về kiến thức, kỹ năng, ý thức, thái độ. Nên các trường ĐH luôn đặt ra những giới hạn nhất định cho sinh viên của mình để đảm bảo đầu ra.

Xu hướng hiện nay là không chỉ quan tâm về mặt kiến thức, dù rằng có chuyên môn, kiến thức tốt thì sẽ có cơ hội tốt để phát triển về mặt nghề nghiệp song cần nâng cao kỹ năng và thái độ. Khi có kiến thức tốt, thái độ kém, kỹ năng về xã hội kém… thì cũng không đảm bảo yêu cầu, khó tìm được việc làm tốt đáp ứng mong muốn. Nên cần phát triển tương đối về con người trong các trường ĐH. Sinh viên và chính các trường phải thay đổi, học hỏi từ chính sinh viên để đáp ứng yêu cầu mới.

“Mặc dù đầu vào các bạn sinh viên Bách khoa tương đối tốt nhưng trong quá trình học cũng cần cố gắng giữ vững phong độ. Điều đó nhằm đem lại tương lai nghề nghiệp tốt cho các em. Không có thành công nào không vất vả”, PGS Điền nói.

Thu Hương