Lập lại trật tự hoạt động bất động sản

Tấn Thành 12/04/2021 06:30

Thời gian qua, tại Quảng Nam, tình trạng “cò đất” thổi giá cũng như bán nền trên giấy để lại những hệ lụy nhức nhối. Tỉnh này nêu quyết tâm lập lại trật tự, nhưng liệu vấn nạn này có chấm dứt hay không?

Nhiều dự án bất động sản không triển khai.

Mua đất không có sổ đỏ

Báo Đại Đoàn Kết đã có bài “Quảng Nam: Góp vốn mua đất 17 năm vẫn chưa có sổ đỏ”, nói về trường hợp, bà Lê Thị Bích Ngọc 17 năm góp vốn cho Công ty CP GTVT để mua lô đất làm nhà cho con, đáp ứng đủ tất cả yêu cầu của đơn vị bán đất đến nay bà vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Không chỉ có bà Ngọc mà cả ngàn người mua đất của Công ty Bách Đạt An do không nhận được sổ đỏ với nhiều lý do đã liên tục cầu cứu UBND tỉnh Quảng Nam. Đây là vụ tranh chấp bất động sản lớn nhất ở Quảng Nam hiện nay. Các bên đã 3 lần đưa nhau ra TAND TP Đà Nẵng, TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) và TAND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cả 3 phiên tòa đều tuyên phải tiếp tục thực hiện hợp đồng để ra sổ đỏ cho hơn 1.000 khách hàng mua hơn 1.100 lô đất. Thế nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bà Ngọc bức xúc: “Góp vốn mua đất để làm nhà cho con rồi 17 năm nay tôi không nhận được sổ đỏ, để bây giờ họ nói cần thì họ trả tiền lại và bồi thường gấp đôi. Tôi mua đất làm nhà chứ có gửi ngân hàng lấy lãi đâu. Cách giải quyết như thế này thì vô trách nhiệm. Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam sớm vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho người mua đất”.

Nguyện vọng mua đất được cấp sổ đỏ là tâm tư của rất nhiều người đã trình bày với chúng tôi. Đó cũng là sự cầu cứu của họ tại những buổi tiếp dân của UBND tỉnh.

Giấy tờ mua đất của bà Ngọc.

Lập lại trật tự

Trước thực tế về tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản, mua đất nền nhưng không được cấp sổ đỏ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu tăng cường công tác quản lý tình hình bất động sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ông Bửu yêu cầu, Sở Xây dựng, Sở TNMT, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo ông Bửu, các đơn vị cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra, có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.

“Cần xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý,… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan”, ông Bửu nhấn mạnh.

Ông Bửu cũng khuyến cáo, người dân không nên thực hiện các giao dịch, hợp tác, chuyển nhượng các dự án chưa đủ hoặc không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, đã yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, cử cán bộ có thẩm quyền và chuyên môn để chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND thị xã Điện Bàn rà soát lại toàn bộ các nội dung tồn tại, vướng mắc, đề xuất tháo gỡ đối với từng dự án, nội dung công việc, thủ tục cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án

“Các Sở, ngành liên quan và UBND thị xã Điện Bàn cần tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho chủ đầu tư, thường xuyên theo dõi để tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn”, ông Quang nói.

Hy vọng với sự quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Nam, những tồn tại của quá trình giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh, tình trạng “cò đất” thổi giá và bong bóng bất động sản sẽ được chấn chỉnh triệt để.

Tấn Thành