Khó quản lý, bảo vệ di tích
Trụ cổng, tường bao được quét vôi, ve mới với mục đích làm đẹp cảnh quan nhưng trong khuôn viên của cụm di tích quốc gia đình, chùa, văn chỉ Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại là sự xuất hiện của rác, nhiều hình vẽ nguệch ngoạc thậm chí là những dòng chữ tục tĩu viết trên một số hạng mục của di tích.
Cụm di tích đình, chùa, văn chỉ Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) được xây dựng năm 1689. Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hữu Bằng được đánh giá là rất đặc biệt. Năm 1989 cụm di tích này đã được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa.
Trong quá trình tìm hiểu về giá trị văn hóa nghệ thuật của cụm di tích đình, chùa, văn chỉ Hữu Bằng, phóng viên đã ghi nhận thực tế hiện trạng đang diễn ra tại cụm di tích này. Những trụ cổng, tường bao xung quanh bảo vệ cụm di tích được quét vôi, ve mới toàn bộ. Thậm chí ngay cả một số hạng mục của chùa cũng được quét vôi trắng. Một số người dân tại đây cho biết việc quét vôi, ve này diễn ra vào các dịp tháng chạp hàng năm để xóa đi những vết nấm mốc, tạo cảnh quan mới cho di tích.
Dẫu biết việc quét vôi, quét ve của người dân là mục đích làm đẹp cảnh quan cho cụm di tích này nhưng việc làm đó vô hình trung đang làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích. Ngay cả một số họa tiết, hoa văn của cổng đình Hữu Bằng cũng được quét vôi và ve mới. Chưa bàn đến đúng sai trong việc này mà xin được nhắc lại mục đích của việc quét vôi này là làm đẹp cảnh quan, chống nấm mốc.
Nhưng thực tế ngay từ cổng vào của di tích đã xuất hiện cảnh rác thải và vật liệu xây dựng ngổn ngang gây mất mĩ quan của di tích. Không chỉ quét vôi, quét ve mới lên các trụ cổng, tường bao xung quanh di tích mà một số hạng mục của chùa thuộc cụm di tích này cũng được khoác lên lớp vôi trắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Pham Lạc Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng cho rằng việc quét vôi lại cho sạch sẽ: “Việc quét vôi Ủy ban nắm được, ở đây có một tục lệ là tuổi 45 ra giúp đỡ việc làng. Họ thấy tường rêu bẩn, trẻ nhỏ vẽ bậy lên tường thì họ quét vôi lại, nếu để trông rất bẩn”.
Dường như ở nơi đây, người ta đã quan niệm quét vôi giống như quét vôi nhà mình để đón năm mới. Ngay cả phía chính quyền xã cũng đồng thuận việc làm này. Đối với những gì đang diễn ra tại khu di tích quốc gia đình, chùa, văn chỉ Hữu Bằng dường như đang đi ngược với nguyên tắc hàng đầu của trùng tu di tích là: Giúp di tích cổ tồn tại bền vững với thời gian mà không để lộ sự can thiệp.
Cùng với đó là những nét vẽ bằng bút mực, bút xóa nguệch ngoạch thậm chí có cả những dòng chữ tục tĩu xuất hiện trên trụ đình. Vấn đề này ông Mạnh lý giải: “Do địa phương Hữu Bằng có đặc thù đất chật, người đông dẫn tới Ban Quản lý không quản lý nổi. Hàng ngày mở cửa cho dân vào để tập thể dục dẫn tới chỉ có thể quản lý được ở phần chính còn không quản lý nổi các cháu. Đối với địa phương cũng cố gắng nhưng nhiều khi người trông nom không thể quán xuyến hết được. Những hình vẽ là do các cháu nhỏ nghịch nên việc xử lý là rất khó. Chủ yếu là nhắc nhở và phối hợp nhà trường để các cháu không vẽ bậy lên ảnh hưởng đến di tích. Chúng tôi cũng chỉ làm được đến như vậy. Các nơi khác đất rộng nên hầu như các khu di tích đóng cửa suốt ngày và có người bảo vệ còn ở đây thì người ra vào tự do nên không thể giữ nổi”.
Vậy với nguyên nhân không thể quản lý nổi vì đặc thù của địa phương như vị Phó Chủ tịch xã Hữu Bằng giải thích thì không biết đến khi nào những hành động tự phát cũng như việc vẽ bậy ở cụm di tích đình, chùa, văn chỉ Hữu Bằng mới chấm dứt?