Bẫy trên đường nghìn tỷ
Là dự án hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư lên đến hơn 1 nghìn tỷ đồng, Dự án đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa (giai đoạn 1) đã hoàn tất và đưa vào sử dụng hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, không hiểu do lỗi thiết kế hay phần việc chưa được nhà đầu tư hoàn tất mà tại đoạn đường đôi, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) đã vô tình trở thành một “chiếc bẫy” giao thông khổng lồ.
Có mặt trên cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi được chứng kiến cảnh các phương tiện giao thông như ô tô tải, xe khách, xe máy, lưu thông theo hướng Tây - Đông đều phải giảm tốc độ, dò dẫm để tránh đoạn đường “oái oăm” này. Đứng trên đỉnh dốc cầu vượt, không khó để nhận ra “chiếc bẫy” giao thông khổng lồ tại đây. “Bẫy” là một đoạn đường đôi, chạy từ phía Đông lên đỉnh cầu dài khoảng 50 m, được thảm nhựa. Hai đầu đường cũng được bịt kín bằng bê tông cao khoảng 30cm, hình tam giác nhọn.
Anh Nguyễn Thành Nam, một chủ gara ô tô tại đường Đình Hương, TP Thanh Hóa cho biết: Do hướng di chuyển từ phía Tây xuống, các phương tiện đều phải tăng tốc để lên dốc, đến đỉnh cầu, tầm nhìn bị hạn chế, cộng với việc không có biển báo đường cụt, khối bê tông xây bao đầu đường thấp, khiến các tài xế rất khó quan sát… Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại đây trong thời gian qua.
Từng là nạn nhân của chiếc bẫy này, anh Nguyễn Ngọc Thịnh, trú tại xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn khá bức xúc khi nhớ lại lần gặp nạn của mình trên đoạn đường này. Ngay lần đầu tiên chở người nhà xuống Phòng CSGT làm việc, do không quen đường, xe của anh đã tông qua lớp chắn bê tông, lao thẳng lên đoạn đường cụt. Rất may anh kịp đạp phanh, người trên xe không bị thương, nhưng chiếc xe thì bị bung ba đờ sốc và chảy dầu máy, phải gọi cứu hộ cẩu vào gara.
“Hầu hết các xe lưu thông từ phía Tây xuống thành phố qua tuyến đường này đều phải tăng tốc để lên cầu vượt. Trong khi đó, trên đỉnh cầu, phần vì khuất tầm nhìn, phần vì đường lại chia thành nhiều làn khiến tài xế rất khó quan sát và bị đánh lừa bởi cứ nghĩ đấy là đường hai chiều nên đi vào”, anh Thịnh nói.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Theo hồ sơ, dự án đường vành đai phía Tây (đường tránh phía Tây) TP Thanh Hóa khởi công xây dựng vào tháng 8/2015, theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), dài 6 km. Điểm bắt đầu (Km0) giao QL1 tại Km 322+70, điểm cuối (Km6) giao QL47 và nối đại lộ Đông Tây. Dự án được khởi công ngày 08/8/2015 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng đoạn đường tránh này là 1.014 tỷ đồng.
Công trình do liên danh Công ty CP Bitexco, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty xây dựng đường thủy, Công ty TNHH thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm nhà đầu tư dự án. Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa là doanh nghiệp dự án.
Ban QLDA an toàn giao thông được Bộ GTVT giao làm đại diện Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay mặt chỉ đạo, quản lý dự án. Dự án đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III, vận tốc thiết kế V=80 km/h, phạm vi cầu vượt và nút giao V=60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với bề rộng nền đường bằng 12 m.
Theo phê duyệt, tuyến này được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017, nhưng thực tế cuối năm 2018 mới hoàn thành và đưa vào vận hành. Trước những hệ lụy do hạng mục lỗi trên tuyến đường gây ra, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và đơn vị quản lý dự án sớm khắc phục.