Khi giá nông sản ‘nhảy múa’

QUỐC ĐỊNH –ĐÌNH LỊCH 13/04/2021 08:00

Giá cả các mặt hàng ớt, tiêu, gạo, cà phê... như đang “nhảy múa” lúc trồi, lúc sụt. Những rủi ro, bất lợi mà người nông dân gánh chịu vẫn còn đó.

Cà phê là mặt hàng nông sản tiềm ẩn nhiều bất ổn về giá cả.

Tại huyện Thống Nhất, nơi có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh Đồng Nai, hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch ớt nhưng tâm trạng của người nông dân khá băn khoăn vì giá ớt tụt dốc không phanh, đầu ra khó khăn. Hiện tại, giá thu mua ớt chỉ thiên ở đây chỉ còn 16.000 đồng/kg (giảm 14.000 đồng/kg so với đầu vụ), còn giá ớt chỉ địa nay rớt xuống còn 3.500 đồng/kg so với mức 33.000 đồng/kg ở đầu vụ. Nếu so sánh hồi trước Tết âm lịch 2021, khi đó ớt chỉ thiên được thương lái tại Đồng Nai đến tận vườn để tìm mua với mức giá vào khoảng 150.000 đồng/kg, thì đã giảm đến 50 lần.

Một lãnh đạo ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021 toàn huyện sản xuất được hơn 1.500 ha ớt, tăng 183 ha so với vụ này năm trước. Phần lớn lượng ớt thu hoạch đều được nông dân bán cho các đại lý trên địa bàn huyện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng sau ngày 1/4/2021, việc xuất khẩu ớt sang nước này có trục trặc, sức tiêu thụ yếu, cung vượt cầu nên giá giảm xuống đáy.

Theo Bộ Công thương, hoạt động xuất khẩu ớt đi thị trường Trung Quốc từ tháng 5 năm ngoái cũng gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên.

Bên cạnh chuyện giá ớt thì việc giá tiêu lúc trồi, lúc sụt cũng là điều đáng quan tâm hiện nay. Ghi nhận cuối tuần qua cho thấy, giá giảm từ 500 đến 1.500 đồng/kg tại tất cả các tỉnh thành khảo sát, giá thu mua hiện tại nằm trong khoảng 69.500 – 74.000 đồng/kg.

Một số thông tin dự báo giá hạt tiêu có thể sẽ hạ nhiệt trở lại trong quý II/2021 khi thị trường thế giới kết thúc chuỗi tăng mạnh. Điều đáng nói là giá tiêu trong thời gian gần đây không thật sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngay cả trong hoạt động xuất khẩu hạt tiêu, dù mức giá có khởi sắc thì trong quý I/2021 sản lượng xuất khẩu đã giảm 25% về lượng và giảm 1,3% về kim ngạch.

Hoặc như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần này được điều chỉnh giảm để tăng sức cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan cũng là điều đáng quan tâm. Giá gạo trong nước hiện giảm ở một số chủng loại, thương lái thu mua cầm chừng trong khi nguồn cung ổn định.

Mặc dù một số ý kiến cho rằng không nên quá lo lắng do cầu thị trường vẫn cao và căng thẳng giảm chỉ là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu nhìn sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo như hiện nay khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo đều giảm giá, khiến các nhà nhập khẩu cân nhắc trong việc mua của nước nào giá có lợi hơn, thì giá gạo sụt giảm vẫn là nỗi lo với người nông dân trồng lúa.

Bộ Công thương đánh giá, trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thuỷ sản ở quý I/2021, gạo là mặt hàng giảm mạnh nhất khi giảm 30,4% về lượng và giảm 17,4% về kim ngạch so với quý I/2020, đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch 606 triệu USD.

Ngoài ra, có thể kể thêm về tình hình giá cà phê. Xuất khẩu cà phê vào quý I/2021 ước đạt 428.000 tấn, trị giá 771 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giới phân tích nhận định giá cà phê có thể sẽ giảm trong thời gian tới do thị trường lo ngại nhu cầu yếu, tiêu thụ cà phê giảm khi những nước tiêu thụ cà phê lớn ở thị trường EU còn chịu tác động của dịch Covid-19.

Nhìn vào tình hình “nhảy múa” về giá của một số mặt hàng nông sản có thể thấy những rủi ro thường trực với người nông dân sẽ vẫn còn đó khi một số bất cập vẫn chưa được cải thiện. Rõ ràng bất lợi thuộc về phía người nông dân. Trong khi đó, những bài học về “giải cứu” nông sản vẫn cần được cải thiện nhiều hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường.

QUỐC ĐỊNH –ĐÌNH LỊCH