Mốc son lịch sử
50 năm trước, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ hỏa lực. Chiến thắng to lớn này tạo ra cục diện và thời cơ mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bối cảnh xuất hiện cuộc chiến
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng đường 9 Nam – Lào (1971-2021), Bộ Quốc phòng vừa chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Quốc phòng trong bài phát biểu tại hội thảo đã phân tích rất rõ bối cảnh lịch sử diễn ra chiến dịch. Theo đó, Tổng thống Mỹ R. Níchxơn lên cầm quyền vào đầu năm 1969 trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, trong đó có cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông ta đề ra học thuyết mới mang tên mình - “Học thuyết Níchxơn”, lấy Đông Dương làm nơi thí điểm cho học thuyết mới, với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Lào hóa chiến tranh” và “Khơme hóa chiến tranh”, trong đó trọng tâm là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Công thức điển hình để giành chiến thắng trong chiến lược này của Níchxơn dường như trở lại với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đó là: Quân đội Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ”.
Đầu năm 1971, sau hai năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn cả về số lượng và chất lượng, tiến hành các cuộc hành quân bình định, chính quyền Tổng thống Níchxơn chẳng những không giành được thắng lợi có tính chất bước ngoặt như kỳ vọng mà trên thực tế liên tiếp chịu nhiều thất bại trên các chiến trường. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc về chiến lược. Ngược lại, lực lượng cách mạng miền Nam vẫn nắm quyền chủ động, từng bước mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc vươn dài về miền Nam.
Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn buộc phải kiểm duyệt toàn bộ chiến lược cũng như tăng cường các biện pháp quân sự để chặn đứng nguy cơ thất bại. Thực hiện mục tiêu này, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tập trung vào khu vực Đường 9 - Nam Lào. Mỹ và chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ đánh chiếm được Sêpôn, cắt đứt được tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, bóp nghẹt cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam.
Tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đã huy động những đơn vị thiện chiến nhất, bao gồm 55.000 quân, trong đó có 15.000 quân Mỹ. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh, trong đó có 10 trung đoàn quân đội Sài Gòn, 1 trung đoàn bộ binh Mỹ, 2 thiết đoàn thiết giáp với 578 xe tăng, xe bọc thép, 21 tiểu đoàn pháo... Với lực lượng mạnh, chuẩn bị hậu cần chu đáo, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ giành được thế chủ động tiến công trước khi Quân Giải phóng miền Nam cơ động đến chiến trường.
Dự đoán được tình hình, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, ngày 4/2/1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Mặt trận 702), do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Chính uỷ, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm có Binh đoàn 70 (Sư đoàn 308, 304, 320), Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang Mặt trận B5 (Đường 9 - bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559; 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh; 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.
Nghệ thuật chiếndịch
Nghệ thuật chiến dịch còn thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu lực cao giữa các hướng chiến dịch, giữa lực lượng chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ trên địa bàn rừng núi, thưa dân; lực lượng tại chỗ lập thế ta phá thế địch, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cơ động tập trung đánh những đòn tiêu diệt lớn quân địch. Đó còn là nghệ thuật phối hợp giữa quân đội Việt Nam - Lào trong phạm vi chiến dịch và cuối cùng là nghệ thuật chủ động kết thúc chiến dịch đúng lúc.
Bên cạnh đó, về nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật, chiến dịch và phương pháp tác chiến của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đánh dấu thời kỳ phát triển phong phú về hình thức chiến thuật, kết hợp phòng ngự với tiến công, bao vây đột phá tiêu diệt các cụm lực lượng có xe tăng, thiết giáp; kết hợp chốt chặn đánh địch đổ bộ đường không với cơ động tiêu diệt địch ở điểm cao; lùng sục vây quét địch và truy kích địch rút chạy. Thành công lớn về vận dụng chiến thuật trong chiến dịch là đánh bại thủ đoạn chiến thuật của địch như chốt điểm cao, đột phá bằng xe tăng, thiết giáp, căn cứ hỏa lực, đặc biệt là chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng của chúng…
Chiến công
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên – Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: “Để kịp thời động viên bộ đội, sát ngày mở chiến dịch, Bộ Chính trị gửi một bức thư, nhấn mạnh: “Nhất thiết đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và sự hy sinh như thế nào vì đây là một trong những trận đánh quyết định về chiến lược”. Bức thư gửi đến làm cho tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch”.
Trải qua hơn 50 ngày đêm (30/1 – 23/3/1971) liên tục tiến công quân địch, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là đòn giáng mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương. Đây là một thắng lợi điển hình của chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại đội quân tinh nhuệ của Mỹ và Sài Gòn, mở ra điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 21 (10/1973) khẳng định: “Chiến thắng Đường số 9 - Nam Lào là một đòn bất ngờ đánh vào chiến lược của Níchxơn, mở ra khả năng mới đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ”. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào mãi mãi là một mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.