Hà Nội: Hướng đến nền hành chính phục vụ
Với mục tiêu lấy cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, trong 5 năm qua (2016-2020), ở hầu hết các vấn đề liên quan đến công tác CCHC của Thủ đô Hà Nội đều đạt được những kết quả tích cực.
Bài 1: Chuyển biến bắt đầu từ bộ phận một cửa phường, xã
Bức tranh CCHC có gam mầu sáng
Giai đoạn 5 năm qua (2016-2020) chương trình tổng thể CCHC của Thủ đô có nhiều chuyển biến vượt bậc. Báo cáo tổng kết Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” cho thấy, đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm, vượt kế hoạch; hoàn thành 11/15 chỉ tiêu; 4/15 chỉ tiêu ước hoàn thành vào năm 2020; hoàn thành 30/33 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện.
Kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2016-2020 phải kể đến, Hà Nội đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là những TTHC liên quan đời sống người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, TP thực hiện đánh giá tổng cộng 261 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 183 TTHC, từ đó tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTHC (năm 2019). Đồng thời, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính thuộc TP đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả.
Điều mà người dân nhận thấy rõ ràng nhất chính là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn. Chất lượng cán bộ ở bộ phận một cửa nâng lên rõ rệt, nhờ đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn toàn TP trung bình hằng năm đạt 98%.
Đặc biệt, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100% - là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia theo lộ trình lựa chọn DVC của Chính phủ, hướng tới cung cấp DVC không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính... khiến người dân chỉ có thể làm các thủ tục hành chính ở bất kỳ nơi nào.
Người dân đã hài lòng hơn
Có thể nói, rất nhiều lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC của Thủ đô thu được những kết quả ấn tượng, để nhìn rõ nhất hiệu quả của nó không dễ dàng. Tuy nhiên, điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra “trái ngọt” của tiến trình CCHC của Thủ đô chính là các chỉ số như PAPI, PCI, SIPAS đã được tăng lên đáng kể theo từng năm.
Cụ thể, chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019; (tăng 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ - năm 2015). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2015 và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2019 đạt trên 80% (80,09%) (về đích sớm 2 năm so với mục tiêu giai đoạn). Rõ ràng Hà Nội rất nỗ lực để cải thiện những chỉ số trên để Hà Nội thực sự là địa phương nằm trong top đầu của cả nước về CCHC.
Dù nỗ lực như vậy, nhưng theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì chỉ số hài lòng trên 80%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, nhưng Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng chưa bền vững; thấp hơn mức trung bình của cả nước 4,36% (mức trung bình cả nước là 84,45%). Do đó, Hà Nội cần tập trung phân tích nguyên nhân, để có giải pháp cải thiện, nhất là với 2 chỉ số còn đạt dưới 80%.
Chưa hài lòng với kết quả về CCHC mà Hà Nội đã đạt được thời gian qua, Hà Nội đã đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để thăng hạng trong bảng xếp hạng về các chỉ số liên quan đến CCHC.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 27/7/2020 về khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Hà Nội năm 2020 và Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 05/8/2020 về khảo sát, đo lường và nghiên cứu phân tích chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố năm 2020. Đo lường sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào những năm tiếp theo….
Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên, việc khảo sát, đo lường rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để huyện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của mình.
Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chỉ số PAPI, SIPAS, quận Hai Bà Trưng đã ban hành “Hướng dẫn tuyên truyền cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS của TP Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo” và “Hướng dẫn tuyên truyền cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020”. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và các phường trên địa bàn quận triển khai tuyên truyền sâu rộng, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ trách nhiệm của mình...
Sự quyết tâm cùng nhiều giải pháp thiết thực mà TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện, chính là cơ sở để các chỉ số PAPI, SIPAS của TP được cải thiện, nâng cao như mong đợi.
Để cải thiện Chỉ số SIPAS, PAPI và các chỉ số khác của TP, năm 2021, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quan tâm đầu tư kinh phí, cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, cung cấp thêm trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức tại bộ phận “một cửa”; kiểm tra việc giải quyết TTHC tại các phòng chuyên môn và bộ phận “một cửa” các đơn vị trực thuộc… để thực sự trở thành nền hành chính thân thiện, hiện đại, vì dân phục vụ.