Hướng đến nền hành chính phục vụ-Bài 3: Hà Nội không vội không xong!

Nguyên Khánh 16/04/2021 14:00

Câu nói đùa “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành quen thuộc, phản ánh thực tế diễn ra lâu nay về sự phiền hà, rắc rối, thậm chí gây bức xúc cho dân khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở Hà Nội. Tuy nhiên, giờ thì mọi thứ đã bắt đầu thay đổi, đặc biệt ở các bộ phận một cửa.

Chính quyền phục vụ

Thật vậy, sự thay đổi nhở cải cách có thể thấy ở nhiều lĩnh vực nhưng rõ rệt nhất là ở bộ phận Một cửa-nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp. Phó Chánh Văn phòng, Trưởng bộ phận Một cửa UBND huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết, những năm qua, Đông Anh luôn nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN), điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong việc rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC.

Cụ thể, để thực hiện công tác CCTTHC, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban đơn vị trên địa bàn rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC với một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Theo đó 160 thủ tục cấp huyện được rà soát thì thời gian cắt giảm là 590/1776 ngày, đạt 33,2%; với 43 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, thị trấn thời gian cắt giảm là 307/1506 ngày, đạt 20,4%.

Để tiết kiệm thời gian, sự đi lại của người dân việc ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử bằng việc đưa vào vận hành các dịch vụ công trực tuyến là điều tiên quyết.

Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC quận Thanh Xuân Nguyễn Mạnh Đạt chia sẻ, quận Thanh Xuân là một trong những quận đi đầu về áp dụng công nghệ thông tin, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến người dân và DN bằng hình thức trực tuyến.

Quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục điện tử ở bộ phận một cửa
Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa Quận Thanh Xuân.

Cụ thể, hiện cấp quận có 254 TTHC trong đó 39 TT thực hiện DVC mức 2, 22 DVC mức 3, 165 DVC mức 4. Cấp hường là 147 TTHC trong đó 15 TTHC thực hiện DVC mức 2, 1 TT thực hiện DVC mức 3, 88 TT thực hiện DVC mức 4.

“Để đẩy mạnh thực hiện yêu cầu về công tác CCHC đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức khi đến giải quyết TTHC, UBND quận đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 mô hình biên lai điện tử và liên thông đăng ký kinh doanh với cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế. Trong thời gian thực hiện đã đem lại nhiều thuận lợi cho ông chức bộ phận Một cửa cũng như công dân và tổ chức. Tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức có thể đăng ký hồ sơ một cách đơn giản, nhanh chóng thuận tiện, 24/24 giờ trong ngày và kiểm tra lại mức phí đã nộp tại mọi địa điểm có kết nối mạng internet. Công dân có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến. đảm bảo tính cong khai, minh bạch của hồ sơ, thủ tục”, ông Nguyễn Mạnh Đạt cho biết.

Công khai xin lỗi dân vì trễ hẹn

Luôn lấy sự hài lòng của người dân là đích đến, là mục tiêu của sự phục vụ, các cấp chính quyền trên địa bàn TP Hà Nội luôn có những mô hình, cách thức để người dân có thể “chấm điểm” cán bộ hoặc có thể có những cách góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp đến các cấp chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, UBND quận đã chỉ đạo lập 3 tài khoản “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy”. Người dân truy cập rất đông và cũng đóng góp các ý kiến, phản ánh, qua đó, chúng tôi kịp thời giải quyết vấn đề nhân dân quan tâm”.

Tương tự, tại quận Thanh Xuân, UBND quận đã công khai số điện thoại của lãnh đạo quận để người dân dễ dàng phản ánh thông tin. Khi có ý kiến phản ánh, UBND quận mời công dân đến để ghi nhận, tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền. Cách làm đó đã góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức,viên chức.

Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, không có phản ánh kiến nghị giải quyết TTHC tại sổ góp ý và hòm thư góp ý tại bộ phận Một cửa của quận. Nhưng có 1 thư khen thuộc bộ phận Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Thanh Xuân. Không chỉ chờ đợi người dân viết các phiếu đánh giá sự phục vụ của cơ quan công quyền trên địa bàn, thông qua các cuộc khảo sát đo lường bằng các công cụ tin cậy, hầu hết các lĩnh vực trên địa bàn, người dân đều biểu thị sự hài lòng (98,7%).

Chính quyền phục vụ không chỉ thể hiện ở việc nỗ lực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn biểu hiện ở việc nếu có sai sót thì dám nhận trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cũng thông tin, trong năm 2020 kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC thuộc cấp huyện của Đông Anh là 2.631 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Riêng cấp huyện có 5 hồ sơ quá hạn thuộc lĩnh vực địa chính, tất cả những hồ sơ quá hạn này đều đã có văn bản xin lỗi công dân của UBND xã.

“UBND huyện, xã, thị trấn đã công bố đường dây nóng và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về TTHC thuộc thẩm quyền. Cụ thể đã nhận được 1 kiến nghị của công dân xử lý phản ánh kiến nghị trên Cổng dịch vụ công quốc gia yêu cầu Chủ tịch huyện Đông Anh kiểm tra trả lời phản ánh của ông Nguyễn Văn Tần, thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh về chậm trễ trong giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND xã Vĩnh Ngọc. Khi nhận được kiến nghị này UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của công dân, đã có văn bản trả lời công dân đồng thời xin lỗi công dân vì sự chậm trễ trong thực hiện TTHC này”, ông Hoàng cho biết.

Đào tạo những công dân điện tử

Chính quyền điện tử để giảm sự tiếp xúc trực tiếp đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và DN, chính vì vậy, thời gian qua Hà Nội đã đưa vào vận hành hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của TP. Nhìn chung, qua đánh giá của các đơn vị trên địa bàn thông qua phần mềm này giúp cán bộ thực hiện các thao tác nhanh hơn, giải quyết việc dân nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, gần đây, hệ thống này cũng đã gặp phải những trục trặc kỹ thuật nhất định. Vì vậy, để tránh người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi, cán bộ phải nhận hồ sơ giấy, sau đó khi hệ thống khắc phục được sự cố sẽ phải nhập dữ liệu lại thay công dân.

Trả lời câu hỏi làm sao để tiến tới nền hành chính không giấy tờ, qua đó tất cả những thủ tục liên quan đến công dân sẽ được thực hiện một cách nhanh gọn nhất, ông Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, cán bộ trên địa bàn quận Thanh Xuân đã trang bị đầy đủ kĩ năng để thích nghi với nền công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở các công dân. Đối với những người trẻ thì không khó, với những công dân lớn tuổi, sự tiếp cận với những điều mới mẻ sẽ khó hơn. Ý thức được những điểm yếu này, quận đã có những đề án để bồi dưỡng, đào tạo để có một thế hệ công dân điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Quận Thanh Xuân đã và đang đào tạo học sinh lớp 8 trên địa bàn quận thành những tuyên truyền viên nòng cốt trong tuyên truyền dịch vụ hành chính công trực tuyến. Hay một số phường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn để giúp hướng người dân đăng ký làm các TTHC.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo ra những “công dân điện tử”, thì cơ quan chức năng ngoài cung cấp dịch vụ, nên có chức năng đối thoại, tương tác với người dân, để người dân được quyền bày tỏ quan điểm, phản biện trong hệ thống các Cổng thông tin của địa phương. Sự tương tác ấy không chỉ tạo nên sự gần gũi, mà còn tạo sự hào hứng khi người dân tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến.

444 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Sở Nội vụ Hà Nội đến nay, TP Hà Nội đã tích hợp, cung cấp các DVCTT đủ điều kiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 444 DVCTT, đạt 100% so với chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp là: 1.685/1.685 TTHC (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai), đạt tỉ lệ 100% , trong đó: mức độ 3 là: 1217 DVCTT và mức độ 4 là: 468 DVCTT. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về DVCTT do Thành phố tổ chức khảo sát năm 2019 (công bố năm 2020) được phản hồi, đánh giá đạt kết quả cao, trong đó khối Sở là 89,57%; khối quận, huyện, thị xã đạt 95,75%.

Nguyên Khánh