Hướng đến nền hành chính phục vụ- Bài 4: Cần nỗ lực hơn nữa

Nguyên Khánh 17/04/2021 10:00

Nhiệm kỳ 2021-2025, công tác CCHC tiếp tục là một trong những nội dung được Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thu nhập của người dân tăng lên đáng kể

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, nhờ đẩy mạnh CCHC, Thủ đô Hà Nội đã và đang “thay da, đổi thịt” từng ngày và liên tục ghi nhận dấu mốc thế và lực mới trong phát triển kinh tế, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Cụ thể, năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Điều đáng nói là chất lượng tăng trưởng đang dần được cải thiện. Chẳng hạn, năng suất lao động ước đạt 258,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,65 lần cả nước, bình quân 5 năm tăng 6,15%, vượt mục tiêu đề ra (5,4-5,9%), cao hơn trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,9%) và cả nước (5,8%). Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.

Trong lĩnh vực công nghiệp Hà Nội cũng đạt những thành tích ấn tượng. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm khoảng 91% sản lượng ngành công nghiệp. Công nghiệp công nghệ cao được định hình phát triển tại 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và tập trung ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học,... ; khoảng 11 nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin với tổng doanh thu hằng năm 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Không chỉ có công nghiệp là thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội cũng không hề thua kém bất kỳ địa phương nào. Cụ thể, nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư hiệu quả, với 138 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp….

Rõ ràng, sự phát triển kinh tế Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nêu trên là kểt quả hội tụ của nhiều nhân tố, trong CCHC cũng góp phần vào những thành công đặc biệt này.

Cần những cán bộ đủ tâm, đủ tầm

Nhờ những quyết sách đúng đắn trong tổng thể CCHC, Hà Nội đã “gặt háo” được nhiều kết quả ấn tượng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường chia sẻ. Theo ông Cường, có thể thấy rất nhiều thành tích trong bức tranh CCHC của Thủ đô Hà Nội 5 năm qua. Tuy nhiên, với tư cách là người dân, ông thấy rõ ràng những thay đổi, những sự cải cách đặc biệt ở bộ phận một cửa. Rõ ràng người dân đã không còn phải đi nhiều chỗ, chờ đợi rất nhiều thời gian để làm các thủ tục hành chính (TTHC). Chỉ cần đến bộ phận một cửa của các cơ quan hành chính Hà Nội đã có thể được giải quyết TTHC một cách nhanh gọn, đúng hẹn. Mọi TTHC đều công khai minh bạch, thời gian giải quyết TTHC rõ ràng đặc biệt khi người dân chưa hiểu những điều cần phải thực hiện đã được cán bộ của bộ phận một cửa hướng dẫn đầy đủ, cặn kẽ. Điều này không chỉ tiết kiệm được chi phí thời gian, tiền bạc cho người dân, DN mà còn làm hình ảnh người cán bộ Thủ đô trong mắt người dân đẹp hơn.

Tuy nhiên, để CCHC đạt kết quả hơn nữa, nhất là đối với các bộ phận một cửa, nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân cần làm tốt hơn nữa. Phải lựa chọn được những cán bộ vừa hồng vừa chuyên có thể đáp ứng yêu cầu công việc cũng như giải quyết được việc dân. Muốn làm được điều này Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra công vụ, giám sát cán bộ bằng các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ cũng như đột xuất. Có như vậy mới biết vấn đề vướng mắc liên quan đến CCHC của Hà Nội còn trũng ở đâu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, muốn đẩy mạnh CCHC không phải là cắt giảm được bao nhiêu thủ tục, thu gọn được bao nhiêu đầu mối mà chính là năng lực và thái độ làm việc của cán bộ.

Cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự minh bạch góp phần vào sự phát triển chung
Cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự minh bạch góp phần vào sự phát triển chung

Có nhiều giải pháp để CCHC nhưng trong đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cũng như cấp phó của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối thoại để làm cơ sở xem xét, đánh giá và xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức trong trường hợp để xảy ra sai phạm hoặc chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu người dân và DN. Có như vậy, mới có một nền hành chính hiện đại, phục vụ trong tương lai.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng đồng cũng cho rằng, sự phục vụ của các cơ quan hành chính của Hà Nội đang thực sự ngày càng tốt lên. Chính những điều này đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế-xã hội của Thủ đô có gam màu sáng những năm gần đây.

Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng thực hiện các cuộc điều tra cảm nhận của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính công (chỉ số PAPI) chia sẻ, những năm đầu Hà Nội luôn đứng ở thứ hạng trung bình, thậm chí có năm xếp ở nửa dưới của bảng xếp hạng. “Hà Nội đã từng tự lý giải về sự thấp hạng trong chỉ số PAPI của Thủ đô chính là vì dân trí Hà Nội cao hơn các vùng khác, có thể đánh giá về sự phục vụ của các cơ quan hành chính địa phương có khắt khe hơn. Tuy nhiên, không phải là như vậy, sau khi Hà Nội xác định được mình đang ở đâu, trũng ở chỗ nào, cần làm thế nào để cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân thì chỉ số này đã được cải thiện đáng kể.

Trả lời câu hỏi Hà Nội nên làm thế nào để cải thiện chỉ số PAPI ông Dinh cho biết, đối với một địa phương, sự hài lòng của người dân và DN rất quan trọng. DN hài lòng hơn điều đó chứng tỏ cơ quan hành chính ở đó quản trị tốt, sẽ là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư khác giót tiền về. Tương tự người dân hài lòng không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ công cho người dân tốt hơn, hay làm TTHC nhanh gọn hơn mà nó còn đánh giá được năng lực của chính quyền, là động lực để thành phố phát triển. Do vậy, Hà Nội cần nỗ lực, nỗ lực hơn nữa, xem xét các chỉ số một cách thấu đáo để có những quyết sách quan trọng tiếp tục đem lại sự hài lòng cho người dân và DN.

Nguyên Khánh