Lo ngại thiếu chuỗi thực phẩm an toàn
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam không phải đối mặt với vấn đề khan hiếm lương thực thực phẩm, nhưng thiếu những chuỗi thực phẩm an toàn. Đó là vấn đề cần phải cải tiến.
Phải đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng
Bộ NNPTNT đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đề xuất Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam với trên 202 triệu USD nhằm cải thiện hệ thống, cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp được lựa chọn, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Dự án được thực hiện tại các tỉnh, TP Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp với thời gian dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027. Tổng vốn dự kiến của dự án là 202,34 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi là 164,4 triệu USD, chiếm 81% tổng nguồn vốn. Vốn không hoàn lại dự kiến là 6 triệu USD từ nguồn JDF, Chính phủ Newzealand và IFC, sẽ do Bộ NNPTNT quản lý, chiếm 3% tổng nguồn vốn. Vốn đối ứng trong nước là 32 triệu USD, chiếm 16% tổng nguồn vốn.
Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp nông nghiệp (Ngân hàng Thế giới) thông tin: Hiện Trung Quốc đang siết chặt các tiêu chuẩn về nhập khẩu nông sản gây nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu rau quả tươi sống của Việt Nam. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu và trong nước, việc thực hiện Dự án Thực phẩm an toàn nông nghiệp Việt Nam là nhu cầu bứt thiết, góp phần nâng cao chuỗi giá trị của nông sản và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.
Hạn chế của nông sản Việt
Về những hạn chế của nông sản Việt, có thể thấy từ nhiều năm qua nông sản không mùa nào là không có mặt hàng cần giải cứu. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.
Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Mối liên kết trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối hiệu quả chưa chặt, còn lỏng lẻo và bất cập. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẽo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.
Liên quan tới việc đảm bảo an toàn chất lượng nông sản, theo bà Bùi Thanh Hương - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Bộ đã và đang kêu gọi các đơn vị đẩy mạnh việc thực hiện sản xuất và kiểm soát theo chuỗi. Phải kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quy trình sản xuất nông sản, từ người trồng cho đến thương lái thu mua và DN xuất khẩu. Cơ quan quản lý chuyên ngành cần thông báo kịp thời cho địa phương và đơn vị xuất khẩu những yêu cầu, quy định an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Đối với công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cũng đã siết chặt việc đăng ký, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
Nhấn mạnh về việc cải thiện hệ thống, cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị nông sản đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt là khi Việt Nam vừa ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu. Sức hấp dẫn của các thị trường này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải vượt qua không ít rào cản kỹ thuật, nhất là về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
Chuyên gia cao cấp nông nghiệp Cao Thăng Bình nhận định, một đất nước cần phải đảm bảo chuỗi hệ thống thực phẩm an toàn, nếu không an toàn thì không phải là thực phẩm nữa. Theo tổ chức FAO, nếu thực phẩm mất an toàn thì đó là chất độc và có hại cho sức khỏe con người. Thế nên người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. Và Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam là một đề xuất được rất nhiều nhà tài trợ quốc tế đặc biệt quan tâm.