Vụ án tại Công ty Gang thép Thái Nguyên: Nhiều bị cáo bị phong tỏa tài khoản, tài sản
Ngày 13/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) bước sang ngày thứ hai.
Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã dành phần xét hỏi đối với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Đại diện Bộ Xây dựng vắng mặt khi HĐXX gọi tên.
Một số bộ, ngành liên quan đều cử người đại diện theo giấy ủy quyền đến tham dự phiên tòa, thay vì trực tiếp người đứng đầu hoặc liên quan trực tiếp tham dự.
Chính vì vậy, người đại diện của các đơn vị liên quan này thay vì nắm bắt và thông tin rõ ràng về vụ việc thì trái lại, trước những chất vấn của HĐXX hoặc họ trả lời “lạc đề” khiến HĐXX phải hỏi lại nhiều lần, hoặc trả lời không rõ ràng...
Đánh giá trước những thiệt hại lớn về kinh tế, mức độ nghiêm trọng của vụ việc và trách nhiệm liên đới khi Bộ Công thương là đơn vị chủ quản, quản lý ngành dọc đối với Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS); trong khi đó Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng là doanh nghiệp nhà nước thuộc VNS; HĐXX hỏi: Căn cứ vào đâu mà Bộ Công thương giới thiệu nhà thầu phụ Vinaincon ký hợp đồng với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) để thực hiện phần của gói thầu EPC? Kế hoạch và giải pháp của Bộ Công thương đối với dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO?
Trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện của Bộ Công thương cho biết, dự án giai đoạn 2 của TISCO là một phần trong 12 dự án yếu kém được Chính phủ giao, Bộ Công thương đang trình Chính phủ và hàng tháng đều phải họp, có văn bản báo cáo. Toàn bộ các việc triển khai dự án TISCO đều căn cứ vào báo cáo của VNS để thực hiện. Hiện, Bộ đang trình Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đang trong quá trình xem xét, phối hợp với cơ quan điều tra nên không có ý kiến gì.
Về phía Bộ Tài chính, trả lời trước HĐXX người đại diện của Bộ này lại cho rằng, Bộ Tài chính đã có quan điểm thống nhất với Bộ Công thương để giải quyết những khó khăn và cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương và Bộ Xây dựng.
Vẫn câu hỏi như thường lặp lại, HĐXX hỏi người đại diện của Bộ Tài chính về quan điểm đối với thiệt hại rất lớn tại dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO này ra sao thì đại diện của Bộ này cũng cho biết Bộ Tài chính cũng có tham gia các ý kiến, văn bản tại các phiên họp gửi Văn phòng Chính phủ theo định kỳ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trước đó đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo VNS và TISCO rà soát lại về việc tăng vốn, xác định các chỉ tiêu, hiệu quả, phương án thu xếp nguồn vốn bổ sung để đảm bảo tính khả thi của dự án. Theo quy định thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia phối hợp với ban chỉ đạo về 12 dự án yếu kém Chính phủ giao.
Đại diện TISCO cho rằng, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu MCC triển khai hợp đồng EPC vì MCC còn có những vướng mắc và vi phạm. Hợp đồng EPC đang trong quá trình đàm phán để thực hiện và chưa chấm dứt. Liên quan tới số tiền hơn 830 tỷ đồng là số tiền lãi thực tế mà TISCO sẽ phải trả, chưa phải là con số thiệt hại thực tế của TISCO nên đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề và xem xét lại đối với TISCO vì chưa có cơ sở xác định rõ, mà dự án vẫn còn tiếp tục. HĐXX đã bác ý kiến của đại diện TISCO vì số tiền hơn 830 tỷ đồng đó là thiệt hại mà TISCO đã trả lãi cho ngân hàng và đó chính là vốn của TISCO, đồng nghĩa đó chính là vốn của Nhà nước vì tại TISCO vốn nhà nước đang chiếm trên 65%. HĐXX cho biết, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra thiệt hại tại dự án.
Cũng trong phiên xét xử, HĐXX còn đề cập đến vấn đề kê biên và phong tỏa tài sản đối với các bị cáo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ bị cáo Trần Văn Khâm xác nhận trước tòa về việc có 6 tài sản là nhà đất bị kê biên do vợ đang quản lý. Tuy nhiên, qua lời khai trước tòa, bà Vân cũng đã phải thừa nhận về việc “chuyển nhượng” 2 lô đất ở Hà Nội và Thái Nguyên (dù chưa sang tên theo quy định của pháp luật) từ năm 2008 và năm 2016. Đồng thời có ý kiến đề nghị được giải tỏa 3 bất động sản là nơi gia đình đang cư trú và 2 lô đã bán.
Bị cáo Đậu văn Hùng cũng bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng và hơn 153 ngàn USD tại các ngân hàng. Đáng chú ý, con trai của bị cáo Hùng là Đậu Nguyễn Long cũng bị tạm dừng giao dịch với số tiền hơn 1,8 triệu USD. Tại tòa, vợ của bị cáo Hùng khai số tiền do con bị cáo đứng tên mà bị phong tỏa số tiền là “tiền của mẹ” để lại. Tuy nhiên, xử lý như thế nào là do HĐXX và chấp hành theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, HĐXX còn đề cập đến số tiền hơn 390.000 USD của anh Long tại Ngân hàng Công thương đã rút chưa và rút vào thời điểm nào thì được đại diện Ngân hàng Công thương xác nhận số tiền đó đã được rút ra trước thời điểm cơ quan chức năng phong tỏa 1 năm.
Bước đầu, HĐXX cũng đã đặt vấn đề về việc “cho tặng” tài sản là căn nhà tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội của bị cáo Mai Văn Tinh sang tên cho con gái vào tháng 3/2019; căn nhà của bị cáo Ngô Sỹ Hán sang tên cho con trai vào tháng 3/2019.