Không thể nhân danh xã hội hóa để trục lợi

Hà Trọng Nghĩa 14/04/2021 06:55

Kể từ ngày 9/4/2021, tổ công tác của cơ quan điều tra đã làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội. Công tác thu thập tài liệu của công an diễn ra cả trong ngày chủ nhật, nhằm xác minh việc liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị y tế (TBYT), đề án xã hội hóa (XHH) tại các bệnh viện (BV) công lập.

Một biếm họa cho thấy sự nhức nhối trong mối liên kết nhân danh xã hội hóa y tế.

Cơ quan điều tra đã yêu cầu BV Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu TBYT, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến nay. Được biết, BV Tim Hà Nội nằm trong số ít BV địa phương được xếp vào nhóm BV chuyên khoa tuyến cuối, với nhiều kỹ thuật được đánh giá cao như mổ tim hở, can thiệp tim mạch...

Câu chuyện tại BV Tim Hà Nội càng làm nóng dư luận, vì rằng trước đó, cơ quan công an đã phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều vụ sai phạm trong lĩnh vực mua bán TBYT dựa vào chủ trương XHH của ngành này.

Ngay trước BV Tim Hà Nội, thì ngày 5/4/2021, trong quá trình mở rộng vụ án sai phạm trong đấu thầu mua sắm TBYT tại Sở Y tế Sơn La, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này cũng đã bắt giữ thêm 2 đối tượng là Tạ Ngọc Chức (32 tuổi - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thẩm định, Đầu tư Toàn Cầu) và Hoàng Vũ Quyển (42 tuổi - nguyên là nhân viên Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ Y tế Việt Nam). Đó chính là vụ thông đồng với chủ đầu tư trong việc thẩm định giá để nâng giá gói thầu mua sắm TBYT tuyến xã, tuyến cơ sở năm 2019 do Sở Y tế Sơn La làm chủ đầu tư. Hai bên đã cấu kết lập khống 2 hồ sơ dự thầu “quân xanh”, tham gia đấu thầu để Công ty cổ phần Thiết bị và Công nghệ Hưng Phát trúng gói thầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Trước đó, ngày 17/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Kim An (52 tuổi - nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Nhân đây, cũng xin điểm lại một vụ việc hết sức “nổi tiếng”: Vụ nâng khống TBYT tại BV Bạch Mai, vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2020. Lúc bấy giờ, trong cao điểm phòng chống Covid-19, cán bộ ngành y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu dập dịch nên tiêu cực tại BV lớn này đã khiến xã hội bàng hoàng. Đó là việc bắt tay nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống TBYT đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết. Cơ quan điều tra cho biết, BV Bạch Mai và Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và một số đơn vị liên quan đã lợi dụng chủ trương XHH, thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào BV. Từ đó nâng khống giá trị thiết bị để trục lợi. Chỉ với một thiết bị (robot Rosa), các đối tượng đã nâng khống từ 10 tỉ đồng lên 39 tỉ đồng. Đáng chú ý, sau khi robot Rosa đưa vào sử dụng, Công ty BMS và BV Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp 5 lần số tiền họ phải trả. Cụ thể, nếu giá mua thiết bị không bị nâng khống thì chi phí một ca phẫu thuật là 4,5 triệu đồng, trong khi thực tế người bệnh phải trả tới 23 triệu đồng/ca.

Thật là những con số đau lòng.

XHH y tế nói riêng và chủ trương XHH nói chung là chủ trương đúng, được xã hội hoan nghênh. Nhưng theo thời gian, lợi dụng “độ mở” chủ trương này, lòng tham của không ít kẻ đã trỗi dậy. Từ đó, người ta nhận ra mặt trái rất đáng tiếc của chủ trương XHH, mà ở đây là XHH y tế, trong hệ thống BV công. Ở một khía cạnh được cho là bản chất thì XHH y tế được hiểu như vận động tư nhân tham gia đầu tư y tế. Việc XHH là tận dụng nguồn lực đầu tư của xã hội, phục vụ những người có khả năng chi trả, giúp Nhà nước dành được nhiều nguồn lực hơn cho người nghèo.

Ưu việt là vậy nhưng ở một số cơ sở y tế công, chính sách đã bị lợi dụng, bị làm hỏng. Lẽ ra người nghèo được hưởng lợi nhờ XHH thì lại bị thiệt thòi nhiều hơn. Thực tế cho thấy, việc đưa tư nhân vào “cùng hoạt động, cùng chia chác” tại một số BV công đã biến các cơ sở y tế này thành nơi kinh doanh dịch vụ y tế, mập mờ công tư. Việc nâng khống giá trị máy móc, TBYT chính là chiêu trò làm giàu cho các nhóm lợi ích trong y tế công, nhân danh XHH y tế để trục lợi.

Mặt trái của chủ trương XHH cần phải được nhận rõ và giải quyết triệt để. Rất quan trọng là phải làm rõ những ai góp tiền, đứng sau việc XHH các TBYT trong các BV công. Những cán bộ trong BV tham gia góp bao nhiêu tiền cần phải minh bạch, không thể để BV công trở thành nơi cho một số cán bộ kinh doanh, đánh mất lương tâm của người thầy thuốc trong ý nghĩa thiêng liêng là chữa bệnh cứu người.

Bộ Y tế đã có Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu TBYT tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải đối chiếu với khung giá thiết bị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khung giá có thời hạn 12 tháng) để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng TBYT. Nhưng rồi vì lòng tham, không ít đối tượng vẫn bắt tay với tư nhân, lợi dụng chủ trương XHH để làm giàu trên sự khốn cùng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhìn lại những gì đã xảy ra, càng thấy rằng việc thực hiện liên doanh, liên kết TBYT phải hết sức thận trọng, nhất là đối với các BV công vì nguồn thu liên quan trực tiếp đến người bệnh. Đã đến lúc để chủ trương đúng đắn và cần thiết là XHH không bị trục lợi, bị làm hỏng, rất cần một cuộc tổng điều tra, kiểm tra sự liên kết TBYT trên phạm vi toàn quốc với hệ thống cơ sở y tế công; chấn chỉnh và xử lý triệt để sai phạm để ngành y thực sự trở thành nơi người dân tin tưởng, gửi gắm chứ không phải là nơi họ bị bóc lột.

Hà Trọng Nghĩa