Người trẻ và văn hoá truyền thống
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những giá trị truyền thống có lúc bị lấn át bởi các trào lưu hiện đại. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đã có rất nhiều người trẻ miệt mài bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cha ông.
Những người trẻ đó có thể là những bạn trẻ tham gia dự án của Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương; Ethnicity, CLB My HaNoi… Ở đó, bằng cách truyền tải giữa những người trẻ với nhau, các giá trị nghệ thuật truyền thống đã dần lan toả sâu rộng hơn trong cộng đồng. Các làn điệu chèo, ca trù, xẩm… đến các trò chơi dân gian không chỉ được giới thiệu trực tiếp mà chính người trẻ còn tham gia thực hành. Như CLB My HaNoi đã mang những trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, những gánh hàng rong chất đầy bánh do, bánh nếp, bánh tẻ... đến gần hơn với giới trẻ trong phố đi bộ quanh Hồ Gươm.
Anh Ngô Quý Đức, Chủ nhiệm CLB My HaNoi chia sẻ, mục đích ban đầu khi tôi thành lập CLB là mong muốn được thỏa mãn niềm đam mê khám phá lịch sử, văn hóa Hà Nội và tìm kiếm những người bạn có chung sở thích. Sau nhiều chuyến đi thực tế về các làng nghề, trong đó có những làng trước đây chuyên làm đồ chơi truyền thống, nhận thấy chúng đang dần mai một, tôi và những người bạn mong muốn làm một điều gì đó giúp những người thợ thủ công tài hoa cuối cùng còn gắn bó với nghề ở Hà Nội. Từ đó, nhiều sự kiện do CLB tổ chức đều lồng ghép thêm trò chơi dân gian nhằm vừa tạo không gian sôi động, thu hút người tham gia, vừa góp phần quảng bá các sản phẩm đồ chơi truyền thống cũng như các trò chơi truyền thống. Giờ đây, trò chơi dân gian trong khu phố đi bộ được duy trì một cách đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần.
Hay với “Chèo 48h - Tôi Chèo Về Quê Hương” - một dự án về văn hóa truyền thống Việt Nam (cụ thể là văn hóa Chèo dân gian) cũng vậy. Sứ mệnh của dự án là mang Chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ, đưa các bạn trẻ đến với một loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc nhưng đang dần bị lãng quên, đồng thời chia sẻ nhiều hơn tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, bảo tồn nó cho những thế hệ mai sau.
Chèo 48h được thành lập vào đầu năm 2014, bởi một nhóm 5 bạn trẻ Việt, được trưởng thành từ cuộc thi “Ý tưởng Tôi 20” - dự án đạt giải nhất của cuộc thi “Ý tưởng Tôi 20” năm 2013 do tổ chức cộng đồng Tôi 20 tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án xuất sắc nhất. Dự án được Trung tâm Bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc và cộng đồng Tôi 20 bảo trợ. Dự án Chèo 48h bao gồm hai hoạt động chính là Chèo Khám phá và Chèo Trải nghiệm. Dự án ra đời với mong muốn góp phần hỗ trợ các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật Chèo, mang Chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ…
Hay người trẻ đó có thể là nhà thiết kế 9X Nguyễn Đức Lộc với sự say mê về cổ phục, mong muốn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Từ đam mê với cổ phục, sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, các sản phẩm của Nguyễn Đức Lộc hiện nay không chỉ xuất hiện trong các buổi trình diễn, triển lãm mà còn góp mặt trong các dự án phim cổ trang. Nói về quan điểm của người trẻ với văn hoá truyền thống, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc cho rằng, nếu như thế hệ cha mẹ chúng ta trước đây còn phải lo đến việc ăn no, mặc ấm, thì thế hệ trẻ ngày nay lại khác, không trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp, cũng không phải lo ăn no, mặc ấm mà tìm đến những điều tốt đẹp hơn.
Theo nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc, toàn cầu hóa vừa là thời cơ nhưng cũng đồng thời là thách thức không nhỏ đối với việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại. “Thực tế cho thấy, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại” - Nguyễn Đức Lộc nói.
Với những cách tiếp cận, cách làm khác nhau, những người trẻ ấy đang đóng một vai trò quan trọng làm cầu nối lan toả các giá trị văn hoá truyền thống. Mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống từ những người trẻ tuổi...