Vì sao nên bỏ thói quen sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin?

PV 14/04/2021 15:32

Thói quen dùng điện thoại khi đang sạc pin không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều tác hại đến thiết bị di động và nhiều hiểm họa khôn lường khác.

Tác hại của việc sử dụng điện thoại khi đang sạc pin

Đe dọa đến tính mạng: Tác hại quan trọng nhất khi sử dụng điện thoại khi đang sạc là đe dọa đến tính mạng người sử dụng. Bạn đinh ninh rằng có thể thay đổi điện thoại bất kỳ lúc nào nếu điện thoại hư, tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu điện thoại đột ngột phát nổ khi bạn đang sử dụng?

Nguy cơ tử vong do sử dụng thiết bị công nghệ đang dần trở nên báo động trong những ngày gần đây. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do những thói quen sử dụng bất cẩn và dùng điện thoại khi đang sạc pin là một trong những nguyên nhân phổ biến.

Điện thoại nóng lên: Những dòng điện thoại hiện đại ngày nay thường phát ra hơi nóng khi người dùng sử dụng liên tục khoảng một tiếng trở lên, đặc biệt với những dòng điện thoại có vỏ kim loại nguyên khối. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và thậm chí hơi nóng xuất hiện nhiều hơn khi bạn dùng điện thoại khi đang sạc pin.

Tuy nhiên, bạn thường bỏ qua vấn đề này và cho rằng điện thoại nóng lên là điều bình thường. Thực tế, việc duy trì điện thoại trong trạng thái nóng kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại không tưởng. Tương tự như cách hoạt động của các loại thiết bị hiện nay. Khi sức nóng đạt đến mức tối đa có thể gây cháy nổ hay rò rỉ bo mạch bên trong.

Gây phồng pin điện thoại: Pin điện thoại bị phồng rộp là một trong những “bệnh” hay gặp nhất và sử dụng điện thoại khi sạc, là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này. Theo đó, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của thiết bị di động, thời lượng sử dụng pin mà phồng pin điện thoại còn gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng nếu không kịp thời phát hiện.

Chai pin: Sử dụng điện thoại trong lúc sạc sẽ khiến pin chai dần và điều hiển nhiên, thời lượng sử dụng pin của điện thoại cũng sẽ giảm. Chẳng hạn, khi mới mua điện thoại, bạn có thể sử dụng trung bình từ 15 đến 18 giờ đồng hồ, tuy nhiên, con số đó sẽ giảm nếu bạn liên tục sử dụng điện thoại khi đang sạc (trung bình khoảng 7 đến 8 giờ sử dụng hoặc thấp hơn).

Xuất hiện nhiều vấn đề với cục sạc pin: Tương tự như cục pin, khi bạn sử dụng điện thoại đang sạc, cục sạc sẽ phát ra hơi nóng nguy hiểm hay mất toàn bộ khả năng hoạt động.

Bạn có thể cho rằng điều này không quan trọng, vì bạn dễ dàng thay cục sạc mới cho điện thoại của mình, tuy nhiên, ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến cục sạc, điện thoại của bạn có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp như:

- Cục sạc bị chai hay hư làm chậm thời gian sạc pin. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại trung bình mất khoảng 4 tiếng sạc đầy, đối với cục sạc bị chai, bạn phải mất 6 đến 8 tiếng hay hơn cho một lần sạc đầy pin.

- Mua cục sạc cùng hãng với điện thoại tốn một khoản chi phí lớn do nhà sản xuất thường nâng giá hay không sản xuất sạc cùng hãng.

- Mua sạc không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm không lường trước như phát nổ bất ngờ.

Những sai lầm dễ mắc phải khi sạc điện thoại

Luôn để bộ sạc của mình trong ổ cắm: Ngay cả khi điện thoại không được kết nối, bộ sạc vẫn liên tục tiêu thụ điện nếu được cắm trong ổ cắm gây tốn điện. Thêm vào đó, máy biến áp giải phóng nhiệt khiến nhiệt lượng có thể từ từ tích tụ, dễ dẫn đến bắt lửa. Hoặc nếu không khí trong phòng đủ ẩm, nó có thể làm chập điện máy biến áp và gây ra hỏa hoạn.

Sạc pin đến 100%: Nghe có vẻ phi lý nhưng việc sạc đầy 100% không hề tốt cho pin lithium-ion. Mức pin lý tưởng nhất là 65 - 75%, giúp điện thoại duy trì độ bền, tuổi thọ tốt nhất. Lưu ý khi sạc và canh thời gian mức pin đúng giới hạn nhé.

Để pin chết hoàn toàn trước khi sạc lại: Không tốt chút nào nếu bạn để pin về 0% bởi vì pin lithium hoạt động theo chu kỳ sạc. Nếu để pin cạn và sập nguồn, bạn sẽ phá hủy tuổi thọ của pin.

Để điện thoại sạc qua đêm: Nếu cứ để pin đầy như thế trong thời gian lâu dài, đặc biệt những ai hay có thói quen cắm sạc qua đêm, lúc này điện tích trong pin lúc nào cũng cao còn có thể khiến nó như thể "quá sức" và dần dẫn đến tác động không tốt.

Sử dụng điện thoại trong khi sạc: Hạn chế vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại, và bảo đảm phải sạc bằng sạc và cáp theo máy, để tránh nguy cơ cháy nổ đáng tiếc xảy ra.

Sạc điện thoại ngay cả khi pin trên 20%: Trường hợp này hơi khó đối với sự cố hết pin bất ngờ. Tuy nhiên nếu muốn giữ tuổi thọ máy thì bạn nên sạc điện thoại khi máy báo cần sạc pin, thông thường dưới 20% pin máy sẽ báo.

Để ốp lưng điện thoại trong khi sạc: Một trong những kẻ thù chính của pin là nhiệt và nếu bạn sạc điện thoại mà không tháo ốp lưng điện thoại ra thì nhiệt độ không thể thoát ra được. Điều này sẽ khiến pin và các bộ phận bên trong khác của điện thoại nóng lên. Trước khi sạc điện thoại, hãy tháo ốp lưng máy ra để cho pin “thở”.

Sử dụng bộ sạc chung và rẻ tiền: Mỗi điện thoại đều có bộ sạc tương thích, không nên thay thế bằng một thương hiệu khác. Nếu bạn không sử dụng bộ sạc phù hợp, năng lượng truyền vào pin có thể quá nhiều hoặc quá ít. Điều này có thể dẫn đến việc pin bị nóng lên.

Bộ sạc tốt nhất cho điện thoại của bạn là bộ sạc chính hãng bạn nhận được khi mua điện thoại. Nếu bạn chẳng may làm hỏng hoặc mất, hãy mua bộ sạc mới ở cửa hàng uy tín.

Sử dụng các ứng dụng pin không xác định khiến pin bị quá tải: Các ứng dụng miễn phí có thể hữu ích để theo dõi hiệu suất của pin, nhưng bạn nên cẩn thận với những ứng dụng này. Chúng có thể được phát triển bởi các nguồn không xác định, khiến pin bị quá tải và vô tình tải xuống quảng cáo trên điện thoại. Trước khi sử dụng một ứng dụng, bạn phải luôn xác minh nguồn để xem có đáng tin cậy không.

Sạc điện thoại từ máy tính xách tay của bạn: Máy tính xách tay thường được sử dụng để sạc điện thoại, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn so với sử dụng ổ cắm thông thường và nó không kích hoạt tùy chọn sạc nhanh của pin. Nếu bạn muốn sạc pin nhanh hơn và theo cách tốt nhất có thể, bạn nên sử dụng ổ cắm thông thường.

PV