Cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn (thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế) – được xem là chiếc cầu gỗ xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong nhiều chiếc cầu gỗ còn được lưu giữ ở Việt Nam. Cầu được xây dựng vào năm 1776 theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà dưới cầu) và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia vào tháng 7/1990. Cầu có chiều dài 17 m và chiều rộng 4 m, chia làm 7 gian, phần mái được trang trí hình rồng với nghệ thuật khảm sành độc đáo, hai bên cầu có dãy bục gỗ và lan can để du khách, người dân ngồi nghỉ ngơi. Sau gần 245 năm tồn tại, tháng 4/2020, cầu ngói Thanh Toàn được hạ giải để bảo tồn, tu bổ và tôn tạo lại. Công trình bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt có tổng mức đầu tư là 13 tỷ đồng. Dự án được khởi công đầu tháng 4/2020 và hoàn thành vào cuối tháng 2/2021. Việc tu bổ, tôn tạo cầu ngói Thanh Toàn dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc. Hệ thống mái được lợp bằng ngói lưu ly. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử, cầu ngói Thanh Toàn còn là địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham qua trong các dịp lễ, Tết, đặc biệt là các kỳ Festival Huế... Bàn thờ bà Trần Thị Đạo, người đã bỏ tiền ra để dân làng xây dựng cầu ngói Thanh Toàn được sơn son thếp vàng và đặt trang trọng ở gian giữa của cây cầu. Sau khi cầu ngói Thanh Toàn được trùng tu đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Nguyễn Quốc