Gia tăng tình trạng trẻ hóa tội phạm
Ngày 15/4, tại TP HCM, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội" đã phân tích nguyên nhân dẫn đến người trẻ phạm tội, qua đó có giải pháp phù hợp ngăn ngừa, giáo dục một cách hiệu quả.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông, TBT Báo Thanh Niên nhận định, các vụ phạm pháp, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước thời gian qua có chung đặc điểm về mặt hệ quả là nhiều nghi phạm và nạn nhân đều rất trẻ, đang là học trò, khiến dư luận rất lo lắng. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội phát triển là nét mới so với trước đây, do đó cần phải có định hướng ngăn chặn một số hành vi người trẻ cư xử bạo lực, vi phạm pháp luật.
Từ góc độ cơ quan công an, Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP HCM cho biết, tình trạng người trẻ phạm tội có xu hướng gia tăng, trong đó tính từ năm 2018 đến hết quý I/2021, toàn TP HCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, trong đó cơ quan chức năng đã thực hiện truy bắt 884 đối tượng. Đáng chú ý, độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi là 69,12%.
Trong 884 đối tượng, có 553 đối tượng đã bỏ học (chiếm 71,44%). Theo Thiếu tá Hùng, đã đến lúc các bậc cha mẹ cần kiểm soát, kiểm duyệt những nội dung phim ảnh của con em. Vì điều này là rất cần thiết, khi thời gian qua trên mạng xã hội, các phim ảnh, clip ngắn của các nghệ sĩ, danh hài cũng lồng ghép rất nhiều “phim đại ca, bạo lực…”.
Chia sẻ của ông Đinh Minh Phương (ngụ TT Mỹ An, H Tháp Mười, Đồng Tháp), là phụ huynh của một học sinh từng bị một nhóm người bên ngoài xông vào trường kéo đi hành hung. Ông Phương cho biết mình rất bức xúc về sự việc. “Tôi chỉ mong cơ quan chức năng, nhà trường, ngành giáo dục đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra”, ông Phương nhấn mạnh”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của người trong cuộc đưa ra giải pháp về việc phối hợp giữa nhà trường, xã hội và gia đình trong việc nắm bắt tâm lý của các em học sinh, hướng dẫn các em học sinh thêm những kĩ năng để tự bảo vệ mình. Trong khi đó, Nhà trường và các cơ sở giáo dục cần thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm để học sinh giải tỏa sức ép, thoải mái sau giờ học. Về phía cơ quan công an tiếp tục tăng cường ra tay trấn áp tội phạm, nhằm giảm nguy cơ người trẻ phạm tội.
Kết luận tại buổi tọa đàm, BTC cũng chỉ ra các số liệu thống kê chỉ ra rằng người trẻ phạm tội phần lớn nghỉ học, bỏ học, do hoàn cảnh khó khăn. Do đó, hệ thống chính quyền các địa phương cần vào cuộc với gia đình, nhà trường để ngăn chặn tối đa nguy cơ tội phạm trẻ hóa. Trường học không chỉ là nơi dạy và học mà phải còn là nơi tham gia hoạt động nhiều hoạt động toàn diện.