Những con số nhức nhối

Nam Việt 16/04/2021 10:30

Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 1/2021 và phương hướng, nhiệm vụ quý 2, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia  cho biết, trong quý 1, cả nước xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: V.T.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, TNGT giảm 263 vụ (giảm 7,58%); số người bị thương giảm 183 người (giảm 7,12%) nhưng số người chết lại tăng 33 người (tăng 2,01%). Đáng chú ý, có 30 tỉnh số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó 16 tỉnh tăng trên 30%, 5 tỉnh tăng trên 70% trở lên là Lâm Đồng, Hà Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Quảng Bình.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Quý 1/2021 đã xảy ra 505 vụ TNGT, làm chết 148 người, bị thương 341 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 149 vụ (giảm 22,5%) nhưng lại tăng 21 người chết (tăng 16,5%).

Như vậy, với rất nhiều nỗ lực, nhiều biện pháp nhưng TNGT (nhất là TNGT đường bộ) vẫn rất nhức nhối. Số vụ TNGT giảm không nhiều, số người bị thương do TNGT giảm cũng không nhiều, trong khi đó số người chết lại tăng. Đó là vấn đề rất nhức nhối, cho thấy mức độ nguy hiểm của TNGT tăng lên. Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Có thể kể đến: Vụ tai nạn tại Thanh Hóa, ngày 22/3 làm 7 người chết; 2 vụ tai nạn giao thông ngày 16/3 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương và vụ TNGT ngày 26/3 trên Quốc lộ 3 làm 3 người chết, 1 người bị thương…

Cùng với số người chết trong các vụ TNGT tăng, thì cũng hết sức đáng lo ngại khi có tới gần 50% (30/63 tỉnh thành trong cả nước) số vụ TNGT tăng trong quý 1 vừa qua. Điều đó cho thấy, trước tiên chính là trách nhiệm của địa phương. Không ai muốn xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh mình, nhưng có lẽ với những gì đã xảy ra thì những tỉnh/thành không kéo giảm được số người chết do TNGT rất cần phải tìm cho ra nguyên nhân để khắc phục.

Thật đáng lo ngại khi trong vòng 3 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có tới hơn 550 người chết do TNGT. Đó là cái chết bất thình lình, vô cùng thương tâm. Mạng người bỗng chốc bị mất đi. Cũng trong thời gian này gần 2.400 người bị thương do TNGT. Đây cũng là nỗi đau rất lớn. Người bị thương tật phải mang vết thương cho đến cuối đời, trong đó nhiều người đành phải sống dựa vào sự chăm nom của người khác do không thể tự lo được cho bản thân. Đó cũng chính là nỗi đau dai dẳng kéo dài, nỗi đau không bao giờ dứt của gia đình nạn nhân các vụ TNGT. Với bất cứ gia đình nào không may có người bị thương tật do TNGT thì cũng đều là thảm họa.

Cần phải nhấn mạnh điều này vì rằng mạng người là vô cùng thiêng liêng. Mỗi ngày có hàng chục người chết do TNGT thì phải thấy đó là vấn đề thực sự của xã hội. Những con số lạnh lùng trong những thông báo về TNGT nhưng lại là nỗi thống khổ của nhiều người. Suốt hơn 1 năm qua, khi đất nước phải đương đầu với dịch Covid-19, chúng ta đã phải nỗ lực đến thế nào để cứu từng người một, dù người đó bệnh tình có nặng đến đâu. Qua hơn 1 năm với 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã làm được điều thần kỳ khi chỉ có 35 người tử vong, hầu hết trong số đó là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và bệnh đã nặng trước khi bị mắc Covid-19.

Nếu như với TNGT, số người chết quá nhiều, chúng ta cũng tập trung dồn sức để kéo giảm số vụ tai nạn cũng như hạn chế tối đa số người bị thương, số người chết như những gì đã làm được trong phòng, chống Covid-19 thì tốt biết mấy.

Theo vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TNGT tăng do nhiều nguyên nhân, do hạ tầng, phương tiện, nguyên nhân do con người, trong đó do con người vẫn là chủ yếu. Thật không thể chấp nhận người ta vẫn lái xe sau khi đã uống rượu bia, thậm chí say xỉn khi bị kiểm tra còn chống người thi hành công vụ, hành hung cảnh sát giao thông. Lại có lái xe sử dụng ma túy thì tai họa có thể nói là đã được báo trước. Xe khách thì nhồi nhét người càng nhiều càng tốt để tiếm thêm tiền. Xe tải thì “cải tạo” để chở càng nhiều hàng càng tốt. Riêng vụ ở Thanh Hóa chở gấp rưỡi, cho phép được chở 15 tấn mà chở đến 27 tấn. TNGT cũng từ đó mà ra. Và, ở một góc khác, TNGT đến từ chính một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, không quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông. Hình như họ không cảm thấy đó là điều hệ trọng.

Cũng về trách nhiệm địa phương, nói như Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an thì chỉ có khoảng 20% kiến nghị của các lực lượng để giải quyết điểm đen về ùn tắc và TNGT. Năm nào cũng đưa ra những kiến nghị nhưng giải pháp thì ít, nên không giải quyết được vấn đề.

Thế nên mới nói, kiến nghị (hay là kêu ca) thì dễ, dám chịu trách nhiệm, xăn tay áo vào làm mới khó. Nhưng, nếu chỉ riêng với tình hình TNGT như hiện nay, nếu không làm thì thật là tội lỗi vì xin được nhắc lại chỉ trong quý 1 năm nay, cả nước xảy ra 3.206 vụ TNGT, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người.

Nam Việt