Vẫn ‘ưu ái’ cho doanh nghiệp nhà nước
Đó là nhận định được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức trực tuyến sáng 15/4.
VCCI cho biết, báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp (DN), trong đó có trên 10.700 DN tư nhân và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong bảng công bố PCI 2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng này. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ được vị trí quán quân trên bản xếp hạng PCI. Xếp sau Quảng Ninh về chất lượng điều hành kinh tế lần lượt là các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.
Đánh giá về tầm quan trọng của PCI, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. Từ PCI, những mô hình “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Song, kết quả điều tra PCI cũng chỉ ra rằng, cứ 4 DN thì 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ 3 DN thì có 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN. Gần 45% DN cho biết họ vẫn phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.
Ngoài ra, tác động của Covid-19 cũng khiến niềm tin kinh doanh bị giảm mạnh. Chỉ có 41% DN cả tư nhân và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, con số này giảm hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, bảng chỉ số năng lực cạnh tranh năm nay đưa đến một tín hiệu vui, đó là số DN phàn nàn về các chi phí không chính thức đã giảm thiểu. Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức trong điều tra năm 2020 giảm xuống mức 44,9% so với mức 66% của năm 2016 và ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Quy mô khoản chi phí không chính thức đối với DN đã giảm đáng kể khi tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm xuống còn 5,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn tình trạng, những DN lớn phàn nàn về việc họ phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra trong năm. Điều này cho thấy, những DN càng lớn thì nguy cơ phải tiếp đón các đoàn thanh kiểm tra càng cao” - ông Tuấn nói.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, những thành quả quan trọng thời gian qua là đáng khích lệ, song điều tra PCI cho thấy, cộng đồng DN tiếp tục kỳ vọng chính quyền các cấp cần có những cải cách mạnh mẽ và thực chất trên nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh. Đó là cải cách hành chính cần tập trung vào cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận thông tin và các nguồn lực cho phát triển nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời DN vượt qua các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh...